Chư Păh vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai

Chư Păh vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai

“Xuất phát điểm” với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng sau 25 năm hình thành và phát triển, huyện Chư Păh (Gia Lai) đang từng ngày thay đổi diện mạo. Bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết thống nhất một lòng giữa chính quyền và nhân dân, huyện Chư Păh tự tin vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai.

Chư Păh vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai ảnh 1Những ruộng lúa tại huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Dấu ấn “vùng cửa ngõ phía Bắc” của tỉnh

Ngày 11/11/1996, huyện Chư Păh được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/11/1996 của Chính phủ. Thời kỳ hình thành, huyện gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội còn thiếu thốn. Lúc đó, cả huyện chỉ có một công trình thuỷ lợi, đường giao thông mới chỉ đến được một số xã và thôn, làng, điện lưới mới kéo về đến trung tâm 3 xã; trạm y tế, trường học thiếu và các cơ sở cũ đã xuống cấp.

Đặc biệt, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao, trình độ dân trí thấp. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số lạc hậu, chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, du canh du cư…

Tuy nhiên, trải qua 25 năm hình thành và phát triển, huyện Chư Păh đã và đang từng ngày vươn mình, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 13%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 43,75 triệu đồng/người/năm (tăng 42,63 triệu đồng so với năm 1997). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 5 năm gần đây (2016-2020) đạt 6.710 tỷ đồng, tăng 1,21 lần so với nhiệm kỳ trước.

Năng xuất và sản lượng các loại cây trồng ngày càng tăng, nhân dân từ chỗ bị thiếu đói thường xuyên đến nay, đã bảo đảm lương thực bình quân đầu người đạt 315 kg/người/năm, gấp 1,85 lần so với năm 1997. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo triển khai đồng bộ, đến nay toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng phát triển nhanh, ổn định, có hiệu quả; tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm gần đây (2016-2020) đạt 1.250,45 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), gấp 2,08 lần so với năm 2015. Toàn huyện hiện có hơn 433 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 175 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã và 913 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Cơ sở hạ tầng của huyện đã từng bước được bổ sung, nâng cấp hoàn thiện. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng, tổ dân phố đã có điện lưới quốc gia với 99,25% số hộ được sử dụng điện; 98,7% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân xem truyền hình đạt trên 97%.

Mạng lưới trường lớp đã phủ khắp, khang trang, sạch, đẹp, với 27/45 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng như: Thư viện, quảng trường, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.... Các giá trị, sản phẩm văn hóa được quan tâm bảo tồn và giữ gìn; đã duy trì được 4 lễ hội truyền thống (lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ mừng nhà rông); cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần mang lại cuộc sống lành mạnh trong các khu dân cư. Đến nay, toàn huyện có 94,50% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 78% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sỹ từ huyện đến các xã, thị trấn đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hiện nay, toàn huyện có 14/14% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; các khu dân cư đều có nhân viên y tế, hàng năm khám, chữa bệnh cho khoảng 60 nghìn lượt người; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,13%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59% năm 1997 (tiêu chí năm 1997) xuống còn 3,82% năm 2021 (tiêu chí hộ nghèo đa chiều)…

Phát triển theo hướng du lịch, dịch vụ


Phát huy những thành quả đã đạt được trong 25 năm qua, Chư Păh đang tiếp tục có những quyết sách đúng đắn trong việc phát huy các thế mạnh, từng bước đưa huyện phát triển theo hướng du lịch, dịch vụ.

Chư Păh vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai ảnh 2Du khách ngắm hoa dã quỳ vàng tại miệng núi lửa Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo ông Nay Kiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chư Păh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như là cửa ngõ quan trọng thuộc hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh; nằm giữa hai thành phố Pleiku và Kon Tum, có Quốc lộ 14 đi qua địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện có hai công trình điện quy mô lớn là Thủy điện Ia Ly và Trạm biến áp 500 kV Pleiku. Ngoài ra, huyện còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như lòng hồ Ia Ly, thác Công chúa, làng du lịch Phung, Kép (xã Ia Mơ Nông), những vườn cao su, đồi chè, cà phê, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh, núi lửa Chư Đang Ya… Đi kèm với nhiều thiết chế văn hóa bản địa đặc sắc. Với những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế đó, trong thời gian tới Chư Păh sẽ tiếp tục tích cực kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có thế mạnh như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng sản xuất, khai thác tuyến du lịch Thủy điện Ia Ly, Biển Hồ-Chư Đang Ya, du lịch trải nghiệm… để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động mạnh hơn nữa theo hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.

Chư Păh vươn mình nơi cửa ngõ phía Bắc Gia Lai ảnh 3Suối đá cổ tại làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai có độ tuổi trên 100 triệu năm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Để phát huy những thế mạnh hiện có, theo ông Nay Kiên, Chư Păh đã vạch ra những định hướng rõ ràng, cụ thể để từng bước biến thế mạnh thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từng bước xây dựng huyện trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở cửa ngõ của Gia Lai.

Trong thời gian tới, Chư Păh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi so với trồng trọt; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, phát triển huyện theo đúng quy hoạch, xây dựng đô thị văn minh. Theo đó, huyện tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh, tăng cường vận động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân theo quy định để tạo ra nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện.

Chư Păh đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của huyện.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm