Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo đời sống người dân

Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo đời sống người dân

Để tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa lũ tại khu vực miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 908/CĐ-TTg về chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Công điện số 875/CĐ-TTg về tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới và Công điện số 31/CĐ-QG của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Trong đó, tập trung vào việc khắc phục hậu quả của bão số 4, hoàn lưu sau bão và ứng phó với mưa lũ tại khu vực miền Trung. Các địa phương chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động ứng phó với các tình huống, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tại tỉnh Quảng Trị, các lực lượng chức năng tập trung khắc phục điểm sạt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây đoạn qua xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa. Sáng 11/10, tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nước trên sông, suối đã rút, việc đi lại qua các ngầm tràn bình thường. Riêng ngầm tràn Ba Lòng ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông và ngầm tràn thôn Thanh Ô ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa vẫn bị ngập lụt nên giao thông bị chia cắt.

Tỉnh Quảng Ngãi đã huy động 4 xe cẩu, múc đất; hàng chục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang di chuyển đất đá khơi thông tuyến đường DT622b, kéo dài từ chân núi đến cầu Kà Tinh, đoạn Km37+559 để tiếp cận khu vực Tổ máy phát điện Nhà máy Thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) bị sạt lở núi vùi lấp. Đến 16 giờ ngày 11/10, tại khu vực Tổ máy phát điện Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, mưa vẫn rất nặng hạt, nhưng với nỗ lực sử dụng các phương tiện cơ giới khơi thông đất đá, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiếp cận được vị trí sạt lở núi làm vùi lấp một phần Tổ máy. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang sử dụng 3 xe cẩu và máy xúc san gạt đất đá, cành cây, khơi thông tuyến đường từ vị trí sạt lở đến cầu Kà Tinh. Hai xe máy cẩu khác tiếp cận sát vị trí Tổ máy phát điện bị vùi lấp, khẩn trương san gạt bùn đất để tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 11/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ đã làm 2 người chết, 2 người mất tích (Quảng Nam, Quảng Ngãi); 7.450 nhà ngập từ 0,5m-1,2m (Quảng Nam); 185 nhà ngập 0,1-0,4m (thành phố Đà Nẵng); 4 điểm ngập tại Quảng Bình (2 điểm quốc lộ, 2 điểm tỉnh lộ); 15 điểm ngập tại tỉnh Quảng Nam (5 điểm quốc lộ, trong đó quốc lộ 1A tắc 1 điểm, quốc lộ 14H tắc 4 điểm do ngập 0,5-3,0m, quốc lộ 40B tắc 1 điểm) và 10 điểm ngập tại tỉnh lộ.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm