Chơi nhạc cụ thời thơ ấu giúp con người cải thiện nhận thức ở tuổi xế chiều

Chơi nhạc cụ thời thơ ấu giúp con người cải thiện nhận thức ở tuổi xế chiều

Ở độ tuổi xế chiều, con người thường đối mặt nhiều vấn đề về sức khỏe cả thể chất và tâm thần. Nghiên cứu mới đây của Đại học Edinburgh (Anh) đã chỉ ra lợi ích của việc chơi nhạc cụ ở thời thơ ấu, theo đó khẳng định thói quen này giúp con người có tư duy và nhận thức sắc bén hơn ở tuổi xế chiều so với người không chơi hoặc ít chơi nhạc.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 366 người sinh năm 1936, trong đó có 117 người từng chơi nhạc cụ thời thơ ấu và trong độ tuổi thanh niên. Nhạc cụ được chơi phổ biến nhất là pianô, ngoài ra còn có đàn accordion (ắc-coócđê-ông), kèn túi, ghita và viôlông. Người tham gia nghiên cứu đã được kiểm tra một số chức năng thể chất và tâm thần, bao gồm các bài kiểm tra khả năng nhận thức tiêu chuẩn từngthực hiện khi trẻ 11 tuổi, bao gồm các câu hỏi yêu cầu suy luận bằng lời nói, nhận thức không gian và phân tích số.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình thống kê để tìm kiếm mối liên hệ giữa trải nghiệm chơi nhạc cụ của một người và những thay đổi trong kỹ năng tư duy của họ trong độ tuổi từ 11 đến 70, qua đó tìm hiểu về trải nghiệm âm nhạc trong đời của người tham gia nghiên cứu để tìm hiểu xem trải nghiệm âm nhạc có liên quan đến quá trình lão hóa hay không.

Các nhà khoa học khẳng định nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng dù là nhỏ về chơi nhạc cụ góp phần cải thiện sức khỏe tâm thần của con người ở tuổi xế chiều.

Cô Katie Overy, giảng viên cao cấp tại Trường Âm nhạc Reid của Đại học Edinburgh, khẳng định âm nhạc mang lại hoạt động xã hội vui vẻ và sôi động. Cô cho rằng thật thú vị khi phát hiện rằng chơi nhạc cụ có thể góp phần cải thiện sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu do Age UK và Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội tài trợ và được xuất bản trên tạp chí Khoa học Tâm lý.

Lan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm