Cho vay vốn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên

Cho vay vốn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng, nông dân Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã phát triển chăn nuôi bò, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: nhandan.com.vn
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng, nông dân Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã phát triển chăn nuôi bò, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: nhandan.com.vn
Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định trung bình mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Áp dụng phương pháp cho vay, lựa chọn mô hình mang lại hiệu quả, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã góp phần đưa hai huyện nghèo của tỉnh là Sông Hinh và Đồng Xuân vươn lên. Đời sống của hầu hết các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc; trong đó có 9.000 hộ được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu. Sông Hinh là huyện miền núi nghèo có hơn 5.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp phát triển kinh tế, chín chương trình tín dụng đã được triển khai cho vay. Trong đó, NHCSXH huyện Sông Hinh đặc biệt chú trọng cho vay trồng rừng và phát triển chăn nuôi theo nghị định của Chính phủ về bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn vào cơ ngơi hôm nay, ít ai biết, cách đây hơn 20 năm, từ vùng cao phía bắc, vợ chồng anh thanh niên người dân tộc Nùng, Hứa Văn Nhay dắt díu nhau vào xã miền núi Sơn Giang, huyện Sông Hinh lập nghiệp. Canh tác trên 1 ha đất ban đầu, tiền bạc gia đình anh Nhay chẳng đáng kể. Được ngân hàng cho vay ưu đãi hai triệu đồng, anh Nhay bỏ thêm 400 nghìn đồng mua một con bò đực vừa nuôi vừa cày ruộng, làm nương rẫy kiếm kế sinh nhai. Một thời gian sau, bò lớn, anh bán được bốn triệu đồng và mua tiếp hai con nữa. Cứ như thế, đến nay anh đã nhân đàn bò lên 15 con, cho thu nhập bình quân hằng năm từ 40 đến 60 triệu đồng. Gia đình anh Nhay còn trồng lúa nước, sắm máy cày để cày thuê, mở thêm cơ sở bán hàng nông nghiệp phục vụ bà con trong vùng cho nên thu nhập mỗi năm có thêm khoảng 40 triệu đồng. Thu nhập cao, vợ chồng anh Nhay xây được nhà mới khang trang, nuôi con ăn học nên người, không hổ thẹn với quê xưa, làng mới. Anh Nhay bảo: Trước chưa được vay vốn, nghèo lắm. Hồi đó có 1 ha đất cứ quay quay nấu rượu nuôi heo, chưa có bò. Hằng ngày đi làm rẫy, vợ tranh thủ đi làm mướn kiếm tiền. Bây giờ kinh tế tạm ổn. Ngoài nuôi bò, gia đình tôi còn trồng 3 ha lúa. "Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho 320 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, tổng cộng hơn 11 tỷ đồng phát triển kinh tế. Có vốn tăng gia sản xuất, đời sống các hộ được nâng lên. Số hộ nghèo giảm được từ 30 đến 40%, cuộc sống bớt khó khăn", Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang, Lâm Văn Von cho chúng tôi biết. Cũng từ nguồn vốn của NHCSXH huyện, gia đình hộ nghèo Nguyễn Thị Cước ở thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh lại chọn cây cao-su và cây ăn quả để phát triển kinh tế. Từ là hộ nghèo, lấy nương bám rẫy làm nhà, đến nay mỗi năm gia đình bà Cước có thu nhập hơn 100 triệu đồng, vừa xây nhà mới gần 800 triệu đồng, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong nhà đắt tiền không thua gì nhà ở phố và được xem là nhà lớn nhất nhì trong thôn. Bà Cước cho biết: Gia đình trồng cây ngắn ngày để có thu nhập, chăm bón vào cây cao-su trong sáu năm, đến giờ đã được cạo mủ. Đầu tiên, gia đình được vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng cây. Bây giờ mỗi năm cũng thu được 100 triệu đồng. Sau đó trồng thêm được sầu riêng với bơ. Bơ cho thu trái, sầu riêng thì năm sau”. Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Tân An, Hồ Văn Thuân chia sẻ: Nhờ nguồn vốn NHCSXH, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay trong tổ chỉ có tám hộ nghèo, còn lại đã khá giả. Khi có vốn ủy thác về thì thôn phối hợp các tổ bình xét vay vốn. Từ trước đến giờ, chưa có hộ nào để nợ gốc quá hạn cũng như lãi đọng. Trước đây có nguồn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nhưng hai năm lại đây nguồn này ít quá, bà con đề nghị NHCSXH tăng thêm. Thông qua các hội, đoàn thể được đứng ra ký ủy thác, những năm gần đây, NHCSXH huyện Sông Hinh đã giúp người dân tiếp cận vốn vay rất thuận lợi và đặc biệt dành sự ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo. Kết hợp với mô hình tự chọn có sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và NHCSXH, phần lớn các gia đình vay vốn đều làm ăn hiệu quả, có hộ vươn lên làm giàu bền vững. Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sông Hinh, Trần Văn Thanh Minh cho biết: Trên cơ sở không để hộ nghèo, cận nghèo nào đủ điều kiện mà không được vay vốn, đến nay đã có từ 40 đến 45% số hộ được tiếp cận vốn với 8.300 hộ được vay vốn. Trong số hộ vay vốn đó, hiện nay số hộ khá giàu chiếm khoảng 15 đến 20%. NHCSXH cũng đã góp phần giảm từ 2 đến 3% số hộ nghèo hằng năm của huyện. Tính đến tháng 12-2017, các chính sách tín dụng với tổng số vốn hơn 258 tỷ đồng của NHCSXH tỉnh Phú Yên đã giúp hơn 9.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ thực tiễn này, nhiều bài học kinh nghiệm trong cho vay vốn hiệu quả cũng đã được rút ra. "Kinh nghiệm của Phú Yên trong việc phối hợp này là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi nào có điều kiện gì thì cho vay sản xuất loại con, cây trồng đó, thí dụ như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh thì điều kiện phát triển chăn nuôi bò rất thuận lợi. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp các phòng nông nghiệp để hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi bò lai. Qua đó giúp cho hộ có thu nhập tốt hơn", Giám đốc NHCSXH chi nhánh Phú Yên Hồ Văn Tục cho biết.
Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm