Chợ phiên Dào San – độc đáo bản sắc vùng cao

Chợ phiên Dào San – độc đáo bản sắc vùng cao

Những ngày cuối tháng 7, khi những cơn mưa cuối hạ chưa đủ để làm dịu bớt cai oi ả của nắng hè, chúng tôi có dịp đi chợ phiên Dào San. Xuất phát từ thành phố lúc 5h30 sáng với bao háo hức, chưa đến 7h30 chúng tôi đã có mặt tại chợ. Vốn hay đi chợ phiên San Thàng, thưởng thức sắc màu đa dạng của thổ cẩm, của sản vật núi rừng và không khí khác biệt với các siêu thị, trung tâm mua sắm song chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng với những nét riêng biệt nơi đây. Có lẽ điều này phải bắt đầu từ con đường đến Dào San với những trảng ruộng bậc thang lấp lánh mùa nước đổ; vài chiếc cầu treo thơ mộng vắt qua con suối Nậm Củng dẫn vào các thôn bản trù phú, yên ả sớm mai; từng vạt chuối, ngô xanh mát mắt, rừng cao su nối tít tắp đến chân trời.
 
Chợ phiên Dào San – độc đáo bản sắc vùng cao ảnh 2
Một góc chợ Dào San.

Đặt chân vào đất Dào San, cảm giác se lạnh, dễ chịu như đang ở đất du lịch Sa Pa bởi giữa hè mà sương mù bảng lảng quyện trên các sườn đồi, mái nhà, tiếng xe máy xình xịch, bước chân người, ngựa đi chợ cùng với tiếng nói cười náo nức… Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là chợ nằm trên doi đất nhô ra ở lưng chừng con dốc hơi quanh co, 1 bên là đồi cao, 1 bên là thung lũng sâu thẳm được bao phủ trắng xoá bởi 1 màn mây! Nghe nói muốn phóng tầm mắt ra xa thì phải chọn ngày nắng đẹp, nhưng không phải điều dễ dàng thực hiện.

Vừa chậm rãi cùng chúng tôi vào chợ, Trung tá Vàng A Lầu – Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San vừa giới thiệu, ngay cả những người già nhất ở đây cũng không nhớ rõ chợ Dào San có từ khi nào, chỉ biết trước đây chợ họp vào ngày con có sừng trong 12 con giáp, nhiều năm nay thì họp vào chủ nhật hàng tuần. Đây là trung tâm buôn bán, giao thương, cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ của Nhân dân các dân tộc 8 xã phía Bắc của huyện Phong Thổ. Vì thế nên nhiều năm qua, Đồn cũng chọn chợ phiên là một trong những địa điểm lý tưởng để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Khuôn viên chợ khang trang như hiện nay mới được xây dựng năm 2010, với tổng diện tích trên 1.337m2, có cả bãi để xe, buộc ngựa thồ cho bà con.

Theo quan sát của chúng tôi thì dường như cái khuôn viên chợ không đủ rộng và cũng không hợp với tư duy phóng khoáng nên bà con ngồi tràn ra cả 2 bên lề của một đoạn đường dài gần 100m. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ thấy người, người đi chợ đông hơn người bán! Điều này dù có phải tranh cãi bao nhiêu lần tôi cũng dám khẳng định rằng chỉ có ở chợ phiên vùng cao!

Từ các ngả vào chợ, từng tốp nam thanh, nữ tú, những cặp vợ chồng mang cả con còn rất nhỏ người Dao đỏ, người Mông, Hà Nhì với những bộ váy áo, túi, mũ sặc sỡ phải quấn áo chen chân vào chợ song vẫn cười vui hớn hở như thỏa cái khát khao đến chợ. Cái ồn ã vốn có dường như không đủ để khuất lấp âm thanh đầy ắp tín hiệu yêu đương da diết của những bài dân ca Mông được phát ra từ chiếc điện thoại hay chiếc radio của các chàng trai Mông mang đến chợ.

Chị Giàng Thị Máy - Người Mông ở xã Nậm Lỏong, thành phố Lai Châu cho biết, dù cách 50 km, nhưng mấy năm nay, dù bận rộn thì vợ chồng chị cũng cố gắng sắp xếp thời gian đi chợ Dào San. Đến chợ vốn đã không có gì mang bán mà có khi chỉ mua vài chùm mắc khén, cái gùi, vài thứ quả mà ở chợ thành phố không thiếu, nhưng chủ yếu là để được gặp gỡ bạn bè, được giao lưu. Quan trọng nhất là anh chị được sống lại những kỷ niệm của “những ngày đầu lưu luyến”, mới gặp nhau “đã ưng cái bụng”…   

Bày bán ở chợ là những gùi măng củ được gọt sạch vỏ, trắng bóc hay măng nứa được luộc vàng, bó cẩn thận; giỏ đào chín phớt hồng như má thiếu nữ Mông; những gùi cơm xôi đủ màu sắc trắng, vàng, tím tỏa hương thơm ngào ngạt; mật ong thơm nức còn nguyên sáp; những chiếc bánh rán bọc đường phên vàng đậm, thơm ngậy; những gùi hương làm bằng cây rừng được xòe ra như những chiếc quạt; những chiếc gùi được đan tỉ mỉ, công phu ..Nhiều người chỉ vài quả dưa leo hay 1 dúm ớt tươi, vài lạng mộc nhĩ, nấm hương hay dăm ba chùm mắc khén cũng cố chen lấy 1 chỗ đứng trong chợ! Không chỉ mang đậm hương vị của núi rừng mà những thứ nông sản bà con mang bán cũng rẻ như cho; cách mua bán cũng không cần mặc cả, vừa hỏi giá, trả tiền vừa hỏi thăm nhau chuyện trồng cấy, chăn nuôi con gà con lợn, chuyện nhớ con gái được gả chồng ở nơi xa….

Cùng với nông sản, thực phẩm bà con mang đến chợ là những sạp quần áo, những cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh, quán ăn, nhà nghỉ. Lý giải cho những ngạc nhiên của chúng tôi, anh Lầu cho biết: Có cầu ắt có cung. Nếu như trước đây tủ lạnh, máy giặt, quạt sưởi, nồi cơm điện, tivi …vốn xa lạ với cuộc sống của bà con thì cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chương trình, dự án trong đó có điện, đường giao thông, việc đến chợ cũng dễ dàng hơn, không còn phải lặn lội đi bộ, xe đạp từ hôm trước thì bà con cũng biết mang những sản phẩm nông nghiệp của nhà mình đến chợ bán lấy tiền sắm đồ điện tử về phục vụ cuộc sống sinh hoạt gia đình.
Chị Phàn A Phi - dân tộc Dao vừa xếp gọn những chiếc gùi vừa chia sẻ: Nhà chị ở xã Mù Sang, hầu như phiên chợ nào chị cũng có mặt bởi với trồng ngô, lúa, nuôi lợn thì nông nhàn, chồng ở nhà đi rừng lấy nứa đan gùi, còn chị có nhiệm vụ mang ra chợ bán. Và cũng theo chị thì có phiên chợ mang 10 chiếc đi chỉ bán một loáng là hết, có khi ngồi hết buổi chợ chỉ bán được 1 chiếc như hôm nay thì chị lại cùng chồng chở về nhà, đợi đến phiên chợ sau. Nhưng với vợ chồng chị cũng như nhiều bà con nơi đây, đi chợ còn được nghe chương trình phát thanh của Đồn Biên phòng Dào San với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn bà con đưa giống, cây con mới vào sản xuất, phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn bản sắc dân tộc là đã vui lắm rồi.

Chợ tan, con đường trở về thành phố như dài hơn với bao bịn rịn với đất và người nơi đây, nhất là sự hồn hậu, cái chất phác đáng quý của người vùng cao - Những thứ chỉ qua lời kể, tả không thể thấy hết, hiểu hết mà phải được nhìn thấy, cảm nhận trực tiếp bằng cả trái tim. Chợt nhận ra có lẽ đó là thứ cảm xúc mà biết bao người khi đã một lần đặt chân đến đây đều mong ngày trở lại.
Theo baolaichau.vn

Có thể bạn quan tâm