Cho những vườn hồ tiêu tươi xanh ở huyện Chư Sê

Cho những vườn hồ tiêu tươi xanh ở huyện Chư Sê
Gia đình ông Huấn có gần 20 năm trồng tiêu hữu cơ trên trụ sống. Ảnh :khoinghiep.org.vn
Gia đình ông Huấn có gần 20 năm trồng tiêu hữu cơ trên trụ sống.
Ảnh :khoinghiep.org.vn 
Những năm trở lại đây, hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt tại Tây Nguyên do nhiễm bệnh khiến nhiều nông dân điêu đứng. Riêng vườn tiêu 5 ha của anh Huấn vẫn luôn xanh tươi, tràn đầy nhựa sống. Bí quyết của anh Huấn là dùng phân bón hữu cơ để chăm cây, tưới nước cho cây bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm; đồng thời hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường các chế phẩm sinh học. Đó là những phương pháp chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP mà anh Huấn áp dụng nhiều năm nay. Anh Huấn chia sẻ, dù vườn tiêu của gia đình anh không bị chết như nhiều hộ khác, nhưng thu nhập từ vườn tiêu không như mong đợi. Lý do chính vẫn là giá tiêu hiện nay rất thấp lại khó tiêu thụ. Anh Huấn nói vui: "Trồng tiêu giờ chỉ khá hơn trồng cà". Dù vậy, "tỷ phú" chân đất vẫn rất say sưa với sự nghiệp trồng trọt bởi có "bà đỡ" ngân hàng luôn đồng hành. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên cũng là chừng ấy thời gian anh Huấn gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Từ đồng vốn vài triệu đồng vay từ Agribank những ngày đầu, anh đã dồn cho vườn cây của mình và dần dần mở rộng diện tích, cho đến nay đã có trong tay một cơ ngơi bề thế. Hiện tại dư nợ của anh Huấn tại Agribank là trên 7 tỷ đồng. Vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, anh Huấn cũng như nhiều khách hàng khác đã được hưởng lãi suất ưu đãi từ Agribank. Cây hồ tiêu đã từng mang lại lợi nhuận cao cho người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, hồ tiêu thiệt hại nhiều do thiên tai, dịch bệnh và rớt giá khiến không ít người nông dân lâm vào khó khăn, nợ nần. Riêng tại tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu được trồng là hơn 16 nghìn ha; trong đó diện tích hồ tiêu bị thiệt hại trên địa bàn là hơn 6 nghìn ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích hồ tiêu được trồng trên địa bàn tỉnh. Agribank đã kịp thời cùng ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai cho biết, trong thời gian qua Agribank đã chủ động tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể giúp người nông dân trồng hồ tiêu vượt qua khó khăn ổn định sản xuất. Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại. Tính đến thời điểm 31/3/2019, Agribank chi nhánh Gia Lai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 502 khách hàng, với dư nợ hơn 233 tỷ đồng. Khách hàng hầu hết đều đã chuyển đổi dần diện tích trồng hồ tiêu sang đầu tư chăn nuôi và trồng một số loại cây khác như: cà phê, chanh dây, các loại cây ăn trái (bơ, chuối, sầu riêng…). Agribank đồng thời tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với các hộ dân bị thiệt hại hồ tiêu (từ 10% xuống 9% đối với ngắn hạn và từ 11-10,5% xuống 10% đối với trung, dài hạn), từ đó người nông dân được chia sẻ giảm bớt khó khăn. Tính đến thời điểm 31/3/2019, Agribank Gia Lai và Đông Gia Lai đã giảm lãi suất cho 40 khách hàng trồng hồ tiêu với dư nợ gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối với 2.318 khách hàng cho vay mới, Agribank đã điều chỉnh lãi suất cho vay thấp hơn. Đây là một trong những hành động tích cực và quan trọng của Agribank trong hành trình chia sẻ khó khăn với người dân, giúp người dân yên tâm vay vốn ngân hàng để sản xuất. Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ được tiếp tục vay vốn để tái đầu tư, chuyển đổi cây trồng, dần tháo gỡ khó khăn cho người dân trong tình hình hiện nay. Tây Nguyên là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nhiều loại cây trồng hàng năm phát triển, việc lựa chọn nguồn giống tốt và cây trái phù hợp sẽ giúp người dân sớm có thu nhập và nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Agribank thường xuyên làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin khách hàng bị thiệt hại, gặp khó khăn để chủ động tìm cách tháo gỡ cho người dân; đồng thời báo cáo Ủy Ban nhân dân các cấp và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo. Tại Gia Lai hiện có 15 chi nhánh ngân hàng, gồm 14 chi nhánh ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Đến cuối tháng 4/2019, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu là 3.724 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Dư nợ ngắn hạn là 2.665 tỷ đồng; trung và dài hạn là 1.059 tỷ đồng. Nợ xấu 451 tỷ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trồng hồ tiêu tại Gia Lai. Tại đây, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người trồng hồ tiêu bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại đối với cây hồ tiêu.
Đỗ Huyền

Có thể bạn quan tâm