Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030

 Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
Mặc dù giá thành túi nilon tự hủy cao hơn túi nilon thông thường nhưng vì môi trường nhiều tiểu thương ở Bến Tre vẫn sử dụng. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN
Mặc dù giá thành túi nilon tự hủy cao hơn túi nilon thông thường nhưng vì môi trường nhiều tiểu thương ở Bến Tre vẫn sử dụng. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN
Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, bên cạnh những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Trong đó chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng, tái chế sản phẩm nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nhằm quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển, theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Đồng thời tạo đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch. Thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là vi nhựa  (hạt nhựa nhân tạo có khích thước nhỏ) đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương. Thiết lập, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương, tích hợp, chia sẻ với khu vực và quốc tế.
Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thu gom rác của các gia đình nuôi lồng bè trên vịnh. Ảnh: An Đăng - TTXVN
 Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thu gom rác của các gia đình nuôi lồng bè trên vịnh. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại các cửa sông chính, các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch. Trong nội dung Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đề ra 7 nhiệm vụ chủ yếu. Đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương. Dự thảo Kế hoạch cũng đã nêu ra 5 giải pháp chủ yếu, bao gồm triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan; huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch; đào tạo, tập huấn nâng cao kinh nghiệm năng lực cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức quản lý, nghiên cứu và tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về rác thải nhựa đại dương.

Nhật Minh

Có thể bạn quan tâm