Xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”

Xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”
Bác sĩ Doãn Thanh Hương (giữa) chuyên ngành ngoại - sản tình nguyện từ Hà Nội về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng (Điện Biên), một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Ảnh: Dương Ngọc - TTVVN
Bác sĩ Doãn Thanh Hương (giữa) chuyên ngành ngoại - sản tình nguyện từ Hà Nội về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng (Điện Biên), một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Ảnh: Dương Ngọc - TTVVN

Tại buổi Lễ, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Lê Minh Hương đã công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 12 thành viên là đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Trưởng Ban, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đề án.

Bà Lê Minh Hương cho biết, Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về Nghị quyết số 132/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; từ đó nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài .

Ngoài ra, Đề án hướng tới mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài; góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài trong các cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.

Theo dự thảo đề cương Đề án, bước đầu các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được chính sách thu hút nhân tài. Nhân tài được tuyển dụng vào làm việc luôn có thái độ, tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt; khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, thu nhập thấp, đãi ngộ không thỏa đáng nên nhiều đơn vị, địa phương không giữ chân được nhân tài. Cơ hội thăng tiến bị hạn chế bởi các rào cản về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý chung của nhà nước. Ngoài ra, công việc thiếu sáng tạo, bố trí việc làm không phù hợp với chuyên môn đào tạo, môi trường, điều kiện làm việc không bảo đảm. Đáng chú ý, nhân tài có kiến thức, trình độ học vấn cao nhưng thiếu kinh nghiệm, chậm được bồi dưỡng để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí tương xứng.

Về nguyên nhân của tình trạng này, dự thảo đề cương Đề án chỉ rõ, khoảng cách về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến giữa khu vực doanh nghiệp với khu vực hành chính nhà nước ngày càng gia tăng. Nhận thức về tài năng, tiêu chí xác định tài năng chưa thống nhất nên chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của người có tài trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bộ, ngành, địa phương thiếu chính sách tầm chiến lược về nhân tài; chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài...

Dự thảo đề cương đã đưa ra các nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhân tài. Cụ thể, nghiên cứu ban hành Nghị định về thu hút, trọng dụng nhân tài; nghiên cứu bổ sung Nghị định quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước; nghiên cứu việc sửa Luật Nhà ở năm 2014 để bổ sung đối tượng nhân tài được hưởng chính sách về nhà ở; nghiên cứu chính sách tiền lương đối với nhân tài; chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học...

Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2020 - 2025, trong đó chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, từ năm 2020 - 2021 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến về Đề án; rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Giai đoạn từ năm 2022 – 2025 tổ chức triển khai các chính sách cụ thể; tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án.
Phan Thu Phương

Có thể bạn quan tâm