Trà Vinh ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giảm nghèo bền vững

Trà Vinh ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giảm nghèo bền vững
Làng nghề ở huyện Càng Long (Trà Vinh) se xơ dừa dệt thảm, tạo việc làm cho khoảng 2.300 lao động. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Làng nghề ở huyện Càng Long (Trà Vinh) se xơ dừa dệt thảm, tạo việc làm cho khoảng 2.300 lao động. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về học nghề đối với người dân; tích cực vận động người lao động, thanh niên học nghề; phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau trung học cơ sở hoặc phổ thông trung học. Đồng thời, tỉnh tập trung các giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo nghề; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tại các địa phương. Tỉnh tăng cường dự báo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác dạy nghề cho lao động; tích cực vận động và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Các đơn vị liên quan phát huy vai trò quản lý nhà nước, tăng cường thắt chặt liên kết trong đào tạo nghề, cung ứng lao động cho doanh nghiệp thông qua xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết cụ thể giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương thường xuyên rà soát bổ sung danh mục nghề đào tạo, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế. Để khuyến khích người dân học nghề, địa phương thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ học phí, tiền ăn, phí đi lại, học bổng, đồ dùng cá nhân… Giai đoạn 2017-2020, tỉnh huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 16,3 tỷ đồng để đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề...  Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, qua 7 năm thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trà Vinh đã đào tạo nghề cho gần 26.000 lao động. Bình quân mỗi năm, tỉnh đào tạo cho khoảng 3.500 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 88%. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự bền vững. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, số học viên học nghề sau đào tạo không có việc làm còn nhiều. Trà Vinh hiện còn 23.078 hộ nghèo, chiếm 8,41% tổng số hộ dân trong tỉnh; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer là 13.859 hộ, chiếm 15,7% tổng số hộ dân tộc Khmer trong tỉnh. Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2-2,5%.
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm