Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Đắk Lắk
Trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chỉ thị số 40-CT/TW có tác dụng tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy lùi tín dụng đen tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2004 đến ngày 30/6/2019, đã có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, trong đó có 70.760 hộ thoát nghèo. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường yêu cầu các cấp ủy và chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở địa phương, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đảng ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan cần tạo điều kiện hơn nữa cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hoạt động giao dịch tại các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân được thuận lợi vay vốn; thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ông Bùi Văn Cường đề nghị chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cần rà soát các nguồn vốn cho vay ưu từ ngân sách Nhà nước để chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là Ngân hàng Chính sách xã hội để thuận lợi trong việc quản lý và cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội phải thường xuyên kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, chú trọng hướng dẫn hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tăng cường xử lý nợ đọng, quản lý vốn vay đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội an toàn và hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn này, trong thời gian tới các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Tuyên, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 9, xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, để phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cán bộ, đảng viên phụ trách các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, buôn đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có chuyên môn tốt, gương mẫu, gần gũi với nhân dân để thực hiện tốt việc hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác làm thủ tục vay vốn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo.

Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm