Thừa Thiên - Huế sẽ đầu tư hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ phát triển các làng nghề

Thừa Thiên - Huế sẽ đầu tư hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ phát triển các làng nghề
Ông Lê Trọng Diễn giới thiệu sản phẩm gốm cổ của làng Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Ông Lê Trọng Diễn giới thiệu sản phẩm gốm cổ của làng Phước Tích.
Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, xác định nghề và làng nghề còn nhiều tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thời gian tới, tỉnh tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan để tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn phù hợp với nhu cầu thực tiễn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn… Trước mắt, tỉnh đầu tư, hỗ trợ phát triển 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch nhằm tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn. Tại các làng nghề, tỉnh ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển các ngành nghề chủ yếu sau: nghề đúc đồng Huế, nghề gốm Phước Tích và nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, nghề tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên, nghề nón lá Thủy Thanh và nghề nón lá Mỹ Lam, nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát mây tre. Nghề dệt thổ cẩm A Lưới được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công từng bước khôi phục và tạo việc làm cho trên 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, nghề dệt thổ cẩm. 
Du khách tham quan gian sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên tại không gian văn hoá cung đình Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Du khách tham quan gian sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên tại không gian văn hoá cung đình Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Theo ông Phan Duy Thanh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới, phát triển dệt thổ cẩm không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn là phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Từ sản xuất thủ công, thông qua nguồn vốn khuyến công, hiện trên địa bàn đã có máy dệt góp phần nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và tăng số lượng sản phẩm.
Riêng hợp tác xã dệt thổ cẩm A Co đã được đầu tư gần 100 triệu đồng (trong đó vốn khuyến công hỗ trợ 50%) trang bị máy sản xuất vải zèng, góp phần thay đổi mô hình sản xuất từ thủ công sang máy móc ở huyện vùng cao này. Nhờ cải tiến quy trình nhuộm sợi dệt thổ cẩm, sản phẩm truyền thống của làng nghề A Lưới có nhiều mẫu mã đẹp và phong phú hơn, năng suất lao động tăng cao hơn gấp 4-5 lần so với trước đây. Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, làng nghề ở địa phương thường có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng chưa cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng phong phú và chưa theo kịp với nhu cầu thị trường... Để khắc phục những khó khăn, trong 5 năm qua (từ 2012 - 2017), tỉnh dành nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho sản xuất, phát triển các làng nghề là 14.200 triệu đồng; trong đó, kinh phí khuyến công địa phương là 9.836 triệu đồng và kinh phí khuyến công quốc gia là 4.424 triệu đồng. Bên cạnh khôi phục và hỗ trợ sản xuất, tỉnh còn đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động trong các làng nghề. Sự hỗ trợ này bước đầu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí; trong đó, nhiều làng nghề đã thiết kế nhiều mẫu quà tặng và hàng lưu niệm mới gắn với phát triển du lịch làng nghề ở từng địa phương...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm