Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu tiêu biểu dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu tiêu biểu dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các vị chức sắc, trụ trì chùa tiêu biểu đại diện 14 tỉnh, thành, khu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các vị chức sắc, trụ trì chùa tiêu biểu đại diện 14 tỉnh, thành, khu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cuộc họp mặt do Ủy ban Dân tộc phối hợp UBND tỉnh Cần Thơ, một số Bộ ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ tổ chức nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương  Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bằng dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Nam Bộ.

Đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ sống tập trung đông nhất tại 9 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ; một bộ phận đồng bào Khmer sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là ''Lễ chịu tuổi'', tổ chức từ ngày 14 -16/4 dương lịch hàng năm.

Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Trong những ngày Tết cổ truyền, đồng bào Khmer tham gia thừa hành nhiều nghi thức tôn giáo tín ngưỡng truyền thống như: Lễ bái Tam Bảo, tụng kinh cầu an, thuyết pháp, đón mừng chư thiên, đặt bát hội, đắp núi cát, tắm Phật, tắm tăng... với sở nguyện cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc cho bản thân và các thành viên trong gia đình; cầu siêu hồi hướng phước báo đến vong linh những người quá vãng; thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ...

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 diễn ra trong không khí cả nước đang phấn khởi, tích cực chuẩn bị kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và 5 năm 2016 – 2020. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 tại Hà Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Đồng bào Khmer Nam Bộ là một cộng đồng trong 54 dân tộc anh em, với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu người. Đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, có nền văn hóa phong phú và đa dạng.

Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer; đã ban hành và thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách như Chỉ thị số 19-CT/TW (ngày 10 tháng 1 năm 2018) của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án lớn như Chương trình 135 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp đỡ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer tu học. Trước những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, Chính phủ đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP (ngày 17 tháng 11 năm 2017) về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng vui mừng đánh giá, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển. Giáo dục đào tạo vùng dân tộc không ngừng được đổi mới, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, không chỉ có sự tham gia đông đảo người dân (như Lễ hội Ok Om Bok, đua ghe Ngo, Lễ hội đua bò) mà còn thu hút được nhiều du khách.

Đồng thời, hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng. Truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo được phát huy; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được giữ vững. Chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước đã hoạt động tích cực, đoàn kết trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Các hoạt động tu học và sinh hoạt Phật giáo của chư tăng và đồng bào Khmer được tạo điều kiện đúng chính sách pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác dự cuộc họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ năm 2019. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác dự cuộc họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ năm 2019. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Khu vực Nam Bộ nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tuy được đầu tư từ nhiều năm và bằng nhiều nguồn lực nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển. Đồng bào đã có nhiều cố gắng vươn lên, nhưng do điểm xuất phát thấp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn nên thu nhập, việc làm và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực có mặt còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc tuy được giữ gìn và phát huy, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có mặt còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi. Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tuy có nhiều mặt tiến bộ, nhưng vẫn còn một số khó khăn, cần tiếp tục được quan tâm giúp đỡ, nhất là công tác Phật sự và công tác giảng dạy, học tập thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo của Phật giáo Nam tông Khmer. Bên  cạnh đó, hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để kích động, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong vùng đồng bào Khmer vẫn còn diễn ra.

Nhân cuộc họp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị chư tăng Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đồng thời, đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú. Đồng bào dân dộc không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật, tích cực vận động đồng bào Phật tử tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống, thực hiện hiệu quả công tác Phật sự, tổ chức các hoạt động Phật giáo tuân thủ pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, xây dựng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ngày càng vững mạnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chủ động, tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào.

Các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, tập trung phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, giảm nghèo bền vững theo hướng “không để ai ở lại phía sau” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Các cơ quan chức năng thực hiện tốt chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào Khmer, quan tâm tạo điều kiện về cơ sở thờ tự, kinh sách, hoạt động tụ học và sinh hoạt tôn giáo chính đáng của chư tăng và đồng bào Khmer, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước; nâng cao hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer, chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín, chức sắc tiêu biểu, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng cũng lưu ý, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào nhiều hơn nữa. Từ nay đến ngày diễn ra tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn tết Chôl Chnăm Thmây trong không khí vui tươi, đầm ấm.
Quang Vũ - Xuân Tùng

Có thể bạn quan tâm