Tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm càng xanh

Tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm càng xanh
Tham dự hội thảo có đại diện sở, ngành liên quan và phòng nông nghiệp, nông dân hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh cùng chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh).

Chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh là bước đi thích hợp trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường, khi tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh liên tiếp xảy ra đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tại Sóc Trăng, mô hình nuôi tôm càng xanh cho giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư tương đối thấp. Tuy nhiên, giá bán tôm thương phẩm chưa cao, tỷ lệ sống sót của tôm càng xanh còn thấp.

Thu hoạch tôm tại Hợp tác xã tôm Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh,tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
 Thu hoạch tôm tại Hợp tác xã tôm Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh,tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Gia đình ông Lương Văn Nghị là 1 trong 20 hộ của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực. Quá trình cải tạo ao và chế độ quản lý môi trường được gia đình ông thực hiện giống như ao nuôi tôm sú. Sau hơn 6 tháng, gia đình ông thu hoạch theo hình thức thu tỉa. Kết quả, tỷ lệ sống sót sau thả nuôi đạt 38%. Kích cỡ thu hoạch trung bình là 20 con/kg. Năng suất đạt 1,9 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nghị thu lãi hơn 66 triệu đồng.

Qua đánh giá, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cho lợi nhuận đạt gần 100%. Tốc độ tăng trưởng của tôm rất khả quan, khá đồng đều về kích cỡ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tôm trong tháng đầu khá chậm, việc xác định tỷ lệ sống cũng như điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho tôm càng còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý một số vấn đề về kỹ thuật trong quá trình nuôi và thu hoạch chưa hợp lý làm tăng tỷ lệ hao hụt của tôm nuôi. Giá bán tôm càng xanh tại Sóc Trăng hiện tại là 320.000 đồng/kg, bằng ½ giá bán tại Trà Vinh.  Thị trường tiêu thụ tôm càng xanh tại Sóc Trăng còn nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Minh Khải, Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua việc khai thác lợi thế sẵn có trên địa bàn thì tôm càng xanh là đối tượng nuôi có triển vọng phát triển mạnh ở huyện Mỹ Xuyên. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng đối tượng nuôi cần có thêm nhiều mô hình thử nghiệm trong thời gian tới, hoàn thiện quy trình kỹ thuật như nâng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng, chuẩn bị ao nuôi, chuẩn bị giá thể làm nơi trú ẩn cho tôm nuôi.

Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Cà Mau những năm qua đã khẳng định tính hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Cà Mau những năm qua đã khẳng định tính hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề về những giải pháp và biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong nuôi tôm càng xanh, như: khâu cải tạo ao, xử lý nước, chất lượng con giống, khâu chăm sóc và quản lý ao nuôi… Từ kinh nghiệm thực tế của địa phương áp dụng trong nuôi tôm càng xanh thương phẩm, Trung tâm Khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có một số lưu ý như: do đặc tính tôm phân cỡ nhiều nên trong quá trình nuôi cần phải xác định được số lượng, trọng lượng và lựa chọn tôm càng xanh còn phát triển tốt để sang ao; khi nuôi tôm được 2,5 tháng – 3 tháng cần sử dụng kỹ thuật bẻ càng để tăng trọng lượng và nên bẻ càng 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tháng để tăng sản lượng tôm nuôi...

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực tế, mô hình nuôi tôm càng xanh tại Trà Vinh xuất hiện từ năm 2010 và gặp những khó khăn như Sóc Trăng hiện nay. Năm 2014, mô hình nuôi tôm càng xanh được phát triển rộng rãi và ổn định nhờ người dân hình thành được vùng nguyên liệu. Hiện nay, các hộ dân liên kết, hỗ trợ nhau khá chặt chẽ về nhân công, bấm càng và trình tự thu hoạch.

Tuy nhiên, nỗi lo của ngành chức năng Trà Vinh hiện nay là diện tích nuôi tôm càng xanh mở rộng ồ ạt. Nếu như tháng 9/2017, diện tích nuôi tôm càng xanh huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là 420 ha thì hiện nay diện tích đã tăng lên đến 700 ha. Diện tích tăng, sản lượng tăng dẫn đến nỗi lo về thị trường và giá thu mua tôm giảm, mặc dù đầu ra cho tôm càng xanh tại Trà Vinh hiện khá ổn định.

Tại buổi hội thảo, đại diện Ban Quản lý chợ Bình Điền đã thông tin về sản lượng tiêu thụ thủy hải sản tại chợ. Hiện nay, đối với tôm càng xanh, sản lượng tiêu thụ tại chợ đầu mối rất ít so với các mặt hàng khác. Trong thời gian tới, để góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho tôm càng xanh cũng như tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm, Ban quản lý chợ Bình Điền sẽ tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, sản phẩm cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm