Thanh Hóa hỗ trợ bà con dân tộc Mường phát triển sản xuất, giảm nghèo

Thanh Hóa hỗ trợ bà con dân tộc Mường phát triển sản xuất, giảm nghèo
Gia đình chị Cao Thị Nhau tại bản Khằm thoát nghèo từ nguồn vốn vay . Ảnh: Nguyễn Nam -TTXVN
   Gia đình chị Cao Thị Nhau tại bản Khằm thoát nghèo từ nguồn vốn vay .
Ảnh: Nguyễn Nam -TTXVN
Cẩm Thủy là một huyện miền núi nghèo, nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, trong đó người dân tộc Mường chiếm hơn 50% dân số toàn huyện, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Để thực hiện chương trình này, huyện Cẩm Thủy đã hướng dẫn các xã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời tổ chức họp các hộ dân người Mường để lấy ý kiến về việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Sau đó, ban quản lý dự án xã cấp tiền, chỉ đạo cán bộ xã đưa người dân đi mua các loại vật nuôi, tập huấn kĩ thuật, xây dựng chuồng trại giúp bà con phát triển sản xuất. Anh Nguyễn Văn Cường, trú tại thôn Hoàng Long 1, xã Cẩm Phú cho biết, là người dân tộc Mường, cuộc sống của anh trước đây rất khó khăn. Năm 2016, gia đình anh được dự án phát triển sản xuất của chương trình 135 hỗ trợ 1 con bò trị giá gần 10 triệu đồng và tham gia lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, anh khai hoang đất, trồng cây ăn quả, xây dựng một gia trại tổng hợp, đến nay kinh tế gia đình anh đã ổn định. Hiện gia đình anh đang nuôi 2 con lợn, 2 con bò, 1 vườn trồng rau, các loại cây ăn quả, thu nhập bình quân của gia đình anh vào khoảng 80 triệu đồng/năm. Cũng là người dân tộc Mường từng vươn lên thoát nghèo nhờ chương trình 135, anh Bùi Văn Đăng, trú tại thôn Thái Long 2, xã Cẩm Phú cho biết, trước đây gia đình anh khó khăn, phải đi nương, rẫy trồng ngô, trồng khoai để kiếm ăn qua ngày nhưng vẫn không đủ no. Năm 2014, anh được chương trình 135 của nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng để mua 2 con lợn nái để chăn nuôi, sau khi được cán bộ nông nghiệp tư vấn, anh xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Năm 2016, sau khi anh bán được vài lứa lợn, anh dùng tiền lãi mua thêm các giống cây ăn quả, nuôi thêm 2 con bò, 50 con gà, kết hợp trồng rừng kinh tế. Đến nay, gia trại của anh ngày càng được mở rộng, hiện anh đang có 1 ha trồng cây lúa, 1.5 ha trồng cây cao su cho thu nhập 40 triệu/năm và một chuồng nuôi bò, lợn. Tổng thu nhập của gia đình anh vào khoảng 130 triệu đồng/năm. Ông Lê Công Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phú cho biết, năm 2016 xã được chương trình 135 của nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, năm 2017 xã tiếp tục được hỗ trợ 261 triệu đồng để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Ban quản lý xã đã tiếp nhận, sau đó cấp bằng tiền mua bò cho các hộ thuộc diện tham gia chương trình, mỗi con bò hơn 10 triệu đồng. Hiện số gia vật nuôi hỗ trợ cho người dân về cơ bản đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều hộ dân người Mường đã vượt qua đói nghèo. Để phát huy hiệu quả chính sách 135 cho người Mường trong thời gian tiếp theo, xã sẽ thông báo cho dân mong muốn nuôi con gì, xã sẽ tiếp tục cử cán bộ đưa dân đi mua. Một thực tế cho thấy, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 ở huyện Cẩn Thủy đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc lựa chọn danh mục hỗ trợ sản xuất thông qua 1 cuộc họp lấy ý kiến của dân. Sau đó, chọn các hộ gia đình được hỗ trợ từ chương trình, góp phần nâng cao thu nhập cho người Mường xứ Thanh. Ông Bùi Minh Bút, Trưởng phòng dân tộc huyện Cẩm Thủy cho biết, thời gian qua, huyện Cẩm Thủy đã thực hiện có hiệu quả các dự án của chương trình 135 tại các xã đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2017, từ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, huyện đã mua 159 con trâu, bò, 4 con dê, xây dựng chuồng trại, mở lớp tập huấn cho người dân là người dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện là trên 2,4 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 946 triệu đồng, có 161 hộ hưởng lợi của chương trình. Năm 2018, huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135, đối với cấp xã được hỗ trợ 1 tỷ đồng, thôn được hỗ trợ 200 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch các hợp phần của chương trình hỗ trợ 135 giúp người dân dân tộc Mường ổn định cuộc sống. Nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất nên người dân tộc Mường đã có điều kiện lựa chọn các giống vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, từ đó mở ra giải pháp hướng giảm nghèo bền vững.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm