Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Điện Biên và Lào Cai

Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Điện Biên và Lào Cai
Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên Lê Hữu Khang trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: laodong.vn
Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên Lê Hữu Khang trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: laodong.vn
Sắp xếp mở rộng thành phố Điện Biên Phủ Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên Lê Hữu Khang cho biết, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Trong đó, thành phố Điện Biên Phủ chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã có 130 đơn vị, trong đó, có 116 xã, 9 phường và 5 thị trấn. Có 3 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là xã Thanh Minh, xã Tả Lèng và thị trấn Tủa Chùa. Theo Đề án, tỉnh Điện Biên sẽ sắp xếp mở rộng thành phố Điện Biên Phủ theo hướng: sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã gồm: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang thuộc huyện Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ quản lý. Đồng thời, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã Thanh Luông, Thanh Hưng thuộc huyện Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ quản lý. Như vậy, sau khi sắp xếp, thành phố Điện Biên Phủ có 12 đơn vị hành chính cấp xã; có 308,18 km2 diện tích tự nhiên, đạt 205,45%; dân số có 80.366 người, đạt 53,58% theo quy định. Về phương án sáp nhập xã Thanh Minh và xã Tà Lèng, tỉnh Điện Biên sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tà Lèng để thành lập một xã lấy tên là xã Thanh Minh. Sau khi sắp xếp, xã Thanh Minh có 40,34 km2, đạt 80,68%; dân số có 3.381 người, đạt 67,62%. Tỉnh Điện Biên cũng đề xuất phương án mở rộng thị trấn Tủa Chùa trên cơ sở điều chỉnh 11,91 km2 diện tích tự nhiên và 4.255 người thuộc xã Mường Báng sáp nhập vào thị trấn Tủa Chùa. Sau khi sắp xếp, thị trấn Tủa Chùa có diện tích tự nhiên là 14,49 km2, đạt 103,50%; dân số là 8.184 người, đạt 102,30%. Bên cạnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Điện Biên cũng lên phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố và các chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư.
Ông Phan Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Chính quyền Địa phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: laodong.vn
Ông Phan Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Chính quyền Địa phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: laodong.vn
Đề xuất không thực hiện sắp xếp huyện Si Ma Cai Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai Nguyễn Tiến Dũng, tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 8 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh. Trong đó có huyện Si Ma Cai chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai có 164 đơn vị, gồm 143 xã, 12 phường và 9 thị trấn. Có 16 xã và 1 phường chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính, tỉnh Lào Cai đề xuất không thực hiện sắp xếp huyện Si Ma Cai với lý do, đây là huyện vùng cao, biên giới, có những yếu tố đặc thù riêng như: vị trí địa lý, địa hình khó khăn, phức tạp và biệt lập; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; các yếu tố về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán. Nếu tiến hành sắp xếp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định trong hoạt động của cả hệ thống chính trị. Do đó, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các bộ, ngành Trung ương thẩm định, báo cáo Chính phủ không đưa vào danh sách thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, để huyện Si Ma Cai có điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo nơi biên cương của Tổ quốc. Về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Lào Cai thực hiện sắp xếp 19 đơn vị (16 xã, 2 phường và 1 thị trấn). Trong đó, 13 xã có 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định; sắp xếp 6 đơn vị (3 xã, 2 phường và 1 thị trấn) theo diện khuyến khích. Sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện và 1 thành phố); có 154 đơn vị hành chính cấp xã (134 xã, 10 phường và 9 thị trấn), giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã.Không nên kéo dài thành phố Điện Biên Phủ lên đồi Các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, nội dung trong hồ sơ, Đề án của các địa phương đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và có kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những cán bộ dôi dư sau sắp xếp; đánh giá tác động của việc sắp xếp và có định hướng, giải pháp để phát triển đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án. Một số ý kiến nhận định, thành phố Điện Biên Phủ là một thành phố đặc biệt, gắn với dấu mốc lịch đặc biệt quan trọng của Việt Nam, là thành phố lòng chảo có tính chất rất đặc trưng, do đó, đề nghị không nên kéo dài thành phố lên đồi. Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng đề nghị các tỉnh có phương án chi tiết sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư để khi phê duyệt Đề án là có thể thực hiện được ngay, đảm bảo chế độ và sự yên tâm công tác của đối tượng dôi dư. Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, cần được ưu tiên bố trí, sắp xếp, có tỷ lệ hợp lý để tránh các thế lực bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Đối với nhân dân thuộc các đơn vị hành chính được sắp xếp, cần có phương án đảm bảo thuận lợi nhất trong việc sử dụng các giấy tờ liên quan. Các tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa, quản lý hồ sơ, giấy tờ công dân. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng hồ sơ, Đề án của các địa phương, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và sự đồng tình của nhân dân trên địa bàn. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai, Điện Biên nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ đúng quy định. Các số liệu thể hiện trong Đề án phải sử dụng số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng giao Vụ Chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp giữa Bộ Nội vụ, Bộ Công an và Ban Tổ chức Trung ương về việc đưa công an chính quy về làm Trưởng Công an xã để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Chu Thanh Vân

Có thể bạn quan tâm