Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới
Trường tiểu học xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Xã Đông Phương đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Trường tiểu học xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Xã Đông Phương đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Thực hiện hiệu quả các tiêu chí đề ra

Chỉ thị số 10-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Nghị quyết liên tịch số 88 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ra đời là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững thời gian qua.

Tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống. các nội dung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã góp phần thực hiện có hiệu quả 8/19 tiêu chí nông thôn mới, như vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia hiến đất, làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí. Nhiều mô hình có hiệu quả đã được nhân rộng ở nhiều địa phương, như sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác phát triển kinh tế, mô hình hợp tác xã, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng thâm canh, tăng chất lượng nuôi trồng thủy, hải sản theo công nghệ mới... Theo đó, trong 3 năm qua, trên cả nước nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 15,5 triệu mét vuông đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương như: Nghệ An, Bắc Giang, Hà Giang, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị... đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Điển hình như: Ninh Thuận đã vận động nhân dân đóng góp trên 49 tỷ đồng, hiến trên 20.000 m2 đất để xây dựng giao thông nông thôn; huyện Kroong Nô tỉnh Đắk Nông trong ba năm đã vận động nhân dân đóng góp 4,8 tỷ đồng và 14.163 ngày công, hiến 7.132 m2 đất để xây dựng nông thôn mới...

Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp khi tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh cho biết, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của quá trình xây dựng nông thôn mới, từ đó huy động sự vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Dẫn chứng từ cơ sở, ông Vũ Hùng cho biết đến nay, tại Bắc Ninh tỷ lệ nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 83%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm là 95%; phòng học kiên cố đạt 98%...

Bắc Ninh đang triển khai đề án mỗi xã, phường một sản phẩm và xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng nhà Đại đoàn kết, mỗi căn nhà trị giá 45 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 33 triệu đồng, hỗ trợ 3 cấp là 12 triệu đồng; đưa tổng số 408 căn nhà đại đoàn kết được đưa vào sử dụng trong năm 2018. Năm 2019, trị giá mỗi căn nhà Đại đoàn kết sẽ nâng lên là 65 triệu đồng/căn, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Hưởng ứng Phong trào Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10-18/11) hằng năm, trong 3 năm (2016-2018), Quỹ Vì người nghèo 4 cấp đã vận động được 2.646 tỷ đồng, vận động an sinh xã hội được 8.364 tỷ đồng, xây dựng sửa chữa được 93.325 nhà đại đoàn kết. Thông qua hoạt động Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội tạo thêm nguồn lực giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống trên địa bàn nông thôn. Một số địa phương có cách làm tiêu biểu trong hoạt động giúp đỡ người nghèo như: Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau đã tổ chức hiệp thương, phân công giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phấn đấu mỗi năm Ban công tác Mặt trận, chi hội các đoàn thể khu dân cư giúp đỡ từ 1 - 2 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Theo đó, năm 2018 đã đăng ký giúp đỡ 4.486 hộ nghèo, cận nghèo và sau 1 năm thực hiện đã có 923 hộ thoát nghèo, 50 hộ cận nghèo được giúp đỡ thoát nghèo. Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang đã trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, xây dựng khu nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở các khu dân cư, hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo...

Khắc phục bệnh thành tích

Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động: Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giám sát bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Ở cơ sở, việc giám sát được thực hiện thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng qua hình thức đóng góp trực tiếp ý kiến vào việc đầu tư xây dựng nông thôn mới, giám sát việc hỗ trợ chế độ chính sách  đối với người có công, chính sách đối với hộ nghèo ở nông thôn, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo... Đến nay, các địa phương đã tổ chức được 9.564 cuộc giám sát về nông nghiệp và cơ chế, chính sách cho người dân ở nông thôn. Các địa phương thực hiện tốt công tác giám sát như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Hậu Giang...

Về phản biện xã hội, có thể kể đến một số địa phương thực hiện tốt công tác này như: Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị đã tham gia 188 dự thảo các văn bản liên quan đến kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia ý kiến thẩm định hơn 70 đề án, dự án đầu tư về nông nghiệp, nông thôn; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương về quy hoạch nông thôn mới với 1.975 cuộc. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức phản biện dự thảo Đề án thành lập trung tâm nghề của tỉnh gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; nhiều ý kiến phản biện quan trọng đã góp phần giúp Đề án được hoàn thiện, đi vào hoạt động có hiệu quả.

Tính từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức lấy trên 118 ngàn ý kiến của người dân về công nhận huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 11 huyện, 132 xã, trong đó có 10 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 129 xã đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và Mặt trận Tổ quốc, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 3.787 xã (chiếm 42,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; có 92% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân.

Nhận định về hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới 3 năm qua, ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương cho rằng, việc Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới đã đưa dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, vai trò chủ thể của người dân được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc đã rất quyết liệt trong đảm bảo chất lượng và khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi, vùng cao Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi, vùng cao Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Bổ sung tiêu chí phù hợp với từng địa bàn

Chương trình xây dựng nông thôn mới tuy đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn một số hạn chế. Bà Nguyễn Thu Hường, Phó ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỉ rõ việc duy trì, phát triển ở một số địa phương còn thiếu bền vững, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Việc tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với nội dung xây dựng nông thôn mới hiệu quả còn hạn chế. Công tác kiểm tra, nắm tình hình trong việc thực hiện còn chưa thường xuyên; việc rút kinh nghiệm và công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình trong thực hiện xây dựng nông thôn mới còn chưa kịp thời...

Bà Nguyễn Thu Hường cho rằng, việc thực hiện phong trào nông thôn mới phải gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở, phải được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội mới có thể tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu nội dung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân; phát huy tính tích cực của mỗi người dân, gia đình, dòng họ trong cộng đồng, nêu cao vai trò tự quản, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong việc triển khai thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên trong Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cơ sở; thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, bổ sung tiêu chí thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của Mặt trận Tổ quốc ở các vùng miền để có đánh giá, điều chỉnh, hướng dẫn cho phù hợp; kịp thời xây dựng, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ...

Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình, việc duy trì chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới cũng cần tính đến. Ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương đề nghị, cần duy trì chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới để khắc phục tình trạng thỏa mãn kết quả đã đạt được. Các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước, so với tiêu chí tại giai đoạn hiện tại không được tụt hậu và phải thực chất. Tiêu chí giai đoạn 2016-2020 phải đạt chuẩn và lên kiểu mẫu.

Với mong muốn khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong quá trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Mặt trận các tỉnh, thành phố cần phát huy những kết quả đã đạt được, khẳng định vai trò trong xây dựng nông thôn mới, từ đó giữ uy tín, niềm tin trong nhân dân, tạo đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
 
Phúc Hằng

Có thể bạn quan tâm