Tăng cường quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Tăng cường quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã
Nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm trong số tang vật được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm trong số tang vật được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Nội dung Văn bản nêu rõ: Để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, cơ quan thực thi pháp luật như Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các chợ động vật tự phát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với động vật hoang dã, thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm.

Liên quan đến dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, các tổ chức như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (FFI), Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã, Tổ chức Động vật Châu Á… cũng đã gửi Thư ngỏ đến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.

Theo các tổ chức này, không ít đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Cụ thể như dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia, khiến 774 người tử vong, vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người, cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi. Hiện dịch COVID-19 đang diễn ra chắc chắn cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng, cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá, các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững, để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.

VH
TTXVN

Có thể bạn quan tâm