Quyết định 29 giúp người yếu thế làm kinh tế, hòa nhập cộng đồng

Quyết định 29 giúp người yếu thế làm kinh tế, hòa nhập cộng đồng
Ông Trần Văn Tường là chồng của hội viên Hội Phụ nữ xã Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột sau cai nghiện ma túy được vay vốn ưu đãi của chương trình và sử dụng nguồn vốn hợp lý bằng nghề bán thuốc nam tại địa phương đã ổn định cuộc sống. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Ông Trần Văn Tường là chồng của hội viên Hội Phụ nữ xã Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột sau cai nghiện ma túy được vay vốn ưu đãi của chương trình và sử dụng nguồn vốn hợp lý bằng nghề bán thuốc nam tại địa phương đã ổn định cuộc sống. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Nhóm người yếu thế được tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả Quyết định số 29 ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (riêng người sau cai, chỉ hộ gia đình được vay) có hiệu lực từ ngày 15/6/2014. Khi bố trí được nguồn vốn vay sau Quyết định số 29, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã lựa chọn, quyết định 15 tỉnh, thành phố thí điểm và cùng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như các cơ quan ở 15 địa phương đã phối hợp chặt chẽ, chủ trì cùng với các ngành, đoàn thể thực hiện nhiều hoạt động triển khai. Từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%); cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%). Cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn là 21/504 (4,16%). Tất cả cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng quy định. Trong số 504 khách hàng vay vốn có 44 cá nhân, hộ gia đình đã hoàn trả vốn vay, chưa có trường hợp nào trả vốn và lãi quá thời hạn. Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách vay vốn theo Quyết định 29 đã có tác động tích cực, nhiều mặt đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm nói chung và việc hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng nói riêng. Đây là một chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút sự vào cuộc của các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Dù mới thực hiện trong thời gian 1,5 năm tại 15 tỉnh, thành phố thí điểm nhưng hàng trăm người thuộc 4 nhóm đối tượng đã từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Ông Trần Văn Tường chăm sóc cây. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Ông Trần Văn Tường chăm sóc cây. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Kiến nghị triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2018 Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách vay vốn theo Quyết định 29 vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến tuy đã được quan tâm, thực hiện từ Trung ương đến cơ sở, nhưng vẫn có nhiều người, đặc biệt là cá nhân và hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn chưa biết đến chính sách này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Trong quá trình cho vay, đơn vị chức năng một số địa phương chưa thật sự tin tưởng người vay nên trong quá trình xác nhận, bình xét cho đối tượng yếu thế vay, ít nhiều vẫn e ngại. Cho 4 nhóm đặc thù vay nhưng trình tự, thủ tục cho vay giống như hoặc khắt khe hơn cho đối tượng người nghèo vay. Từ đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ triển khai Quyết định 29 thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2018; đồng thời kiến nghị tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay; mở rộng mục đích vay vốn: Vay để khám chữa bệnh, học tập của con cái, giải quyết những nhu cầu thiết yếu…; bổ sung chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa có nghề hoặc chưa được đào tạo nghề; nghiên cứu, thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với người nhiễm HIV và người bán dâm tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đối với cấp tỉnh, huyện, xã, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị tăng cường và đổi mới tuyên truyền, phổ biến Quyết định 29 đến từng cộng đồng và người yếu thế để họ biết và hiểu rõ về chính sách vay vốn; tuyên truyền giảm kì thị của cộng đồng, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng thuận lợi; tuyên truyền, vận động, tư vấn giúp người yếu thế mạnh dạn, tự tin làm hồ sơ vay vốn để phát triển sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện, tái phạm.
Thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, gia đình bà Trần Thị H, xã Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột có 4 người nhiễm HIV//AIDS đã được vay vốn ưu đãi của chương trình từ Ngân hàng Chính sách xã hội xây nhà tình thương và chăn nuôi dê phát triển kinh tế. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, gia đình bà Trần Thị H, xã Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột có 4 người nhiễm HIV//AIDS đã được vay vốn ưu đãi của chương trình từ Ngân hàng Chính sách xã hội xây nhà tình thương và chăn nuôi dê phát triển kinh tế. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm