Quy định về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng

Quy định về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng
Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 12, khoản 8 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 17, khoản 4 Điều 21, khoản 3 Điều 22, khoản 7 Điều 24, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 5 Điều 29, khoản 2 Điều 56, khoản 3 Điều 57 của Luật Trồng trọt.

Nội dung về canh tác hữu cơ quy định tại khoản 5 Điều 69 của Luật Trồng trọt được thực hiện theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ.

Về giống cây trồng, Nghị định quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng... Trong đó, Nghị định quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng; tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và quy định: Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc trực tiếp gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin gồm địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn hàng phù hợp quy định.

Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.

Nghị định cũng quy định về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước. Theo đó, bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Trồng trọt và quy định sau: Tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp; độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20 đến 25 cm tính từ mặt đất.

Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt theo Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này. Phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang xây dựng công trình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ngoài việc đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt, Nghị định còn quy định chi tiết các nội dung khác như: kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2020.
Nguyễn Thu Phương B

Có thể bạn quan tâm