Quy định quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè vùng ven biển Phú Yên

Quy định quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè vùng ven biển Phú Yên
Một bè nuôi tôm hùm với gần 50 lồng nuôi của hộ anh Lê Minh Khang trong Vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Ảnh: Thế Lập – TTXVN
Một bè nuôi tôm hùm với gần 50 lồng nuôi của hộ anh Lê Minh Khang trong Vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Ảnh: Thế Lập – TTXVN
Theo đó, cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên địa bàn tỉnh phải có quyết định giao hoặc cho thuê mặt nước của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đáp ứng được các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn lao động và an toàn thực phẩm. Vật liệu, kết cấu lồng, bè được thiết kế chắc chắn, dễ di dời, lắp đặt, bảo đảm chống chịu được điều kiện gió, bão tối thiểu là cấp 9; ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, bè bằng nhựa HDPE; kích thước mắt lưới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi. Thiết bị máy móc sử dụng trên lồng, bè phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu vào nguồn nước và các công trình phụ trợ khác. Quy định cũng nêu rõ vị trí đặt lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch của từng địa phương. Mật độ lồng nuôi từ 30 lồng đến 60 lồng/ha. Đáy lồng, bè đặt cách đáy biển ít nhất 1 mét vào lúc mực nước thủy triều thấp nhất. Khoảng cách tối thiểu giữa các lồng trong cùng một bè hoặc cùng một cụm lồng là 1 mét, khoảng cách giữa các bè hoặc cùng một cụm lồng của 1 cơ sở nuôi không nhỏ hơn 50 mét. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, việc ban hành quy định trên nhằm khắc phục khâu yếu nhất trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi các loài thủy sản, nhất là quy hoạch vùng nuôi tôm hùm. Sắp tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban quản lý vùng nuôi tại các địa phương, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, các địa phương ven biển gồm: thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An và huyện Đông Hòa đã và đang tiến hành kiểm đếm số hộ và số lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Riêng thị xã Sông Cầu là địa phương có diện tích trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Phú Yên. Thống kê ban đầu cho thấy, thị xã Sông Cầu có  2.918 hộ nuôi các loài thủy sản, chủ yếu làm tôm hùm với 1.736 bè và 80.448 lồng nuôi. Trong số đó có đến 23.277 lồng nuôi ngoài phân vùng quy hoạch. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết đã chỉ đạo UBND các xã, phường thông báo rộng rãi đến các hộ nuôi những nội dung Quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên các vùng ven biển của tỉnh; sắp xếp lại các vùng nuôi và không để phát sinh lồng, bè nuôi mới. Ngoài ra, vận động người dân nuôi trồng thủy sản theo đúng phương án phân vùng mặt nước biển đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.
Thế Lập

Có thể bạn quan tâm