Quảng Ninh hướng tới xóa đói nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Ninh hướng tới xóa đói nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Gia đình anh Bàn Văn Quý và chị Đặng Thị Thoa (người Dao) xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tự nguyện viết đơn thoát nghèo nhờ mô hình trồng rừng kết hợp trồng lúa nương. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
 Gia đình anh Bàn Văn Quý và chị Đặng Thị Thoa (người Dao) xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tự nguyện viết đơn thoát nghèo nhờ mô hình trồng rừng kết hợp trồng lúa nương. Ảnh: Văn Đức - TTXVN 
Giải thoát tư tưởng “thích nghèo” Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Nguyễn Minh Sơn cho hay: Việc quan trọng nhất trong công tác xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bà con. Lâu nay, bà con “thích nghèo” chỉ vì muốn được nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, con em đi học không mất tiền, đi khám bệnh không mất phí nên nhiều gia đình kinh tế khá giả, xây nhà mới vẫn không muốn thoát nghèo. Năm 2018, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình khá giả tự nguyện thoát nghèo nên toàn huyện có tới 104 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã viết đơn xin thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Nếu trước đây, huyện Ba Chẽ có tới 60% hộ nghèo thì đến hết năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn 5,6%. Điển hình là vợ chồng anh Bàn Văn Quý và chị Đặng Thị Thoa (dân tộc Dao, ở xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ). Sau 2 vụ thu hoạch gỗ, gia đình có của ăn, của để, xây dựng được nhà mới. Năm 2018 gia đình đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo bớt làm gánh nặng cho xã, cho huyện. Quảng Ninh thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 theo hướng khuyến khích, phát huy hơn nữa sự chủ động của các địa phương và vai trò chủ thể, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của cộng đồng, người dân, từng bước thay hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng hỗ trợ cho vay, hỗ trợ có điều kiện, gắn với trách nhiệm của cộng đồng, người dân. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, chính quyền cơ sở đã lấy đội ngũ thanh niên - lực lượng có sức lao động, có ý chí vươn lên làm giàu, thoát nghèo làm nòng cốt trong triển khai xóa đói giảm nghèo. Với suy nghĩ “nghèo thì nhục lắm”, tầng lớp thanh niên người dân tộc đã đi đầu trong làm kinh tế hộ gia đình sớm thoát nghèo, từ đó phong trào lan rộng, tạo động lực cho các hộ dân đua nhau làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo.Linh động trong xóa đói nghèo Để xóa đói giảm nghèo bền vững, Quảng Ninh lấy quan điểm “Tỉnh ban hành cơ chế chính sách - các sở ngành tham mưu đắc lực - cấp huyện trực tiếp chỉ đạo - cấp xã trực tiếp thực hiện - thôn bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo - lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm; Tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết, trong đó ngân sách Nhà nước là chủ yếu”. Quảng Ninh chủ động phân cấp, trao quyền cho UBND các huyện chủ động triển khai nguồn vốn theo các địa chỉ, mục tiêu đã xác định của Đề án 196. Với quan điểm chỉ đạo xác định nhiệm vụ đầu tư hạ tầng, văn hóa xã hội phải bám sát các điều kiện, tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196 đồng thời phải tiệm cận với các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nên quá trình thực hiện đã coi trọng lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo hiệu quả nhất. Trong 3 năm 2017-2019, Quảng Ninh đã chi ngân sách thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 lên tới 1.903 tỷ đồng, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đến hết năm 2018 đạt 22,16 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015. Tính đến tháng 9/2019, tất cả các xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác hàng năm; trên 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tất cả 17 xã có trường học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế…Hỗ trợ xã, thôn “đặc biệt” xây dựng nông thôn mới Dự kiến năm 2019 Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu không còn xã đặc biệt khó khăn song thực tế khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn với vùng nông thôn của tỉnh còn khá lớn. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 22,16 triệu đồng/người/năm bằng 57,56% thu nhập các xã vùng nông thôn; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn vừa thoát diện "đặc biệt” còn cao. Khi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã, thôn sẽ bước vào xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn nhưng xuất phát điểm còn thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Tỉnh vẫn còn 13 xã đạt dưới 15 tiêu chí, trong đó 3 xã mới đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đề xuất của Trưởng Ban Dân tộc Quảng Ninh, ông Vũ Kiên Cường, để đảm bảo tính bền vững của Đề án 196, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, xây dựng đề án, cơ chế, chính sách tiếp tục hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đối với các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và các xã biên giới gắn với thực hiện Đề án “hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” của Chính phủ. Tỉnh nên xem xét có cơ chế, chính sách cho duy trì một số chính sách an sinh xã hội thiết yếu hỗ trợ đối với các xã, thôn thoát khỏi Chương trình 135, mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trong khoảng 2 đến 3 năm đầu như: hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân, hỗ trợ học phí, tiền ăn bán trú cho học sinh... Cùng với đó tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả, tìm kiếm và áp dụng các mô hình mới là một trong các giải pháp trọng tâm để thoát nghèo bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các xã vùng khó khăn. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ 2.125 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn. Giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ninh dự kiến sẽ cân đối sử dụng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Nhà nước hơn 1.750 tỷ đồng để thực hiện “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Văn Đức

Có thể bạn quan tâm