Quảng Nam nỗ lực giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quảng Nam nỗ lực giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Quang cảnh Lễ hội khai năm tạ ơn rừng của đồng bào dân tộc Cơ tu (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng- TTXVN
Quang cảnh Lễ hội khai năm tạ ơn rừng của đồng bào dân tộc Cơ tu (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng- TTXVN

Triển khai thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”, đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác quy hoạch, sắp xếp, xây dựng khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đồng bào ở các huyện miền núi để họ có chỗ ở ổn định, có đất sản xuất. Năm 2017, tỉnh đã bố trí gần 106 tỷ đồng để sắp xếp chỗ ở, hỗ trợ tiền làm nhà cho gần 1.500 hộ đồng bào; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất…

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thực hiện hiệu quả việc đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc các Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ; hỗ trợ phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ đồng bào phát triển dược liệu theo cơ chế khuyến khích của địa phương. Trong hai năm 2016 và 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phân bổ hơn 165 tỷ đồng để hỗ trợ Quảng Nam đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho 6 huyện nghèo, 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Chương trình 135 đã phân bổ 112 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, sau hơn một năm thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ, trong đó riêng các huyện miền núi, nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số có trên 2.700 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. Đây được xem là bước khởi đầu đáng khích lệ của các huyện vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Nam trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Với việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhóm giải pháp và triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, sau 2 năm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam trong năm 2017 đạt khoảng 7,1%, cao hơn mức tăng bình quân chung của tỉnh là 5,55%. Trên địa bàn tỉnh  có ngày càng nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập trên 200 triệu đồng/hộ/năm.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo ở 9 huyện miền núi, đặc biệt là 6 huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, bình quân giảm 5%/năm. Cơ sở hạ tầng phát triển, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn ở vùng sâu, vùng xa đạt trên 37%, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện quốc gia tăng nhanh. Hiện nay, tỷ lệ hộ đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng điện đạt gần 92%, hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 81%, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học đạt gần 97%, hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,5%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt gần 98%.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm về kinh tế-xã hội không thuận lợi nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn phát triển chậm. Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực, Quảng Nam triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng đối tượng được sử dụng vốn vay ưu đãi, hỗ trợ sinh kế gắn với vận động đồng bào vươn lên thoát nghèo...

Quảng Nam chú trọng tuyên truyền, khắc phục tình trạng du canh du cư, nhất là việc trông chờ, ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số.
                                                                  
Đoàn Hữu Trung

Có thể bạn quan tâm