Phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh trao các suất hỗ trợ học tập cho các học sinh trường Lê Hồng Phong. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh trao các suất hỗ trợ học tập cho các học sinh trường Lê Hồng Phong. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là Hội Chữ thập đỏ quốc gia duy nhất tại Việt Nam; hỗ trợ các cơ quan Nhà nước trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và biểu trưng riêng.Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động; tự nguyện, không vụ lợi; công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả; không phân biệt đối xử, phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc; sử dụng Biểu tượng chữ thập đỏ; không được lợi dụng hoạt động Hội làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Quyền quyết định cao nhất của mỗi cấp Hội là đại hội Hội cấp đó; quyết định theo đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Hội tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội, các Công ước Giơ-ne-vơ 1949, các Nghị định thư bổ sung năm 1977, các điều ước quốc tế về nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu. Tổ chức của Hội gồm: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (cấp huyện); Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (cấp xã). Hội được thành lập các chi hội trực thuộc, hội đồng hoặc ban bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, các đội ứng phó thảm họa, đội sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, đội khám chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động, các câu lạc bộ và các loại hình hoạt động nhân đạo khác theo quy định của pháp luật. Các loại hình tổ chức này do cấp Hội thành lập, trực tiếp quản lý theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định của pháp luật.Chức năng, nhiệm vụ của Hội Chức năng của Hội là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ; nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. Nhiệm vụ của Hội là tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo và các văn bản pháp luật có liên quan; phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ; vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tham gia hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; sơ cấp cứu ban đầu; vận động hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo... Hội được quyền tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến nhân đạo; tham gia thực hiện một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội các chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội; tiếp nhận tài trợ, tổ chức các hoạt động gây quỹ theo quy định của pháp luật; được cấp kinh phí hoạt động và kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ do Nhà nước giao. Hội được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật; tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ gửi tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cơ quan lãnh đạo Hội gồm: Đại hội Hội; Ban Chấp hành Hội; Ban Thường vụ Hội. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm