Phát triển nhiệt điện với công nghệ than sạch sẽ được ưu tiên

Phát triển nhiệt điện với công nghệ than sạch sẽ được ưu tiên
Để phát triển nhiệt điện than mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào quản lý; trong đó, đặc biệt lưu ý việc xử lý chất thải, loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ cũ không đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường. Đồng thời, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường như khí thải, nước thải, cải tiến hệ thống lọc.
Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang được gấp rút thi công các hạng mục chính. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang được gấp rút thi công các hạng mục chính. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Các nhà máy nhiệt điện than mới hoàn thành sẽ phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục về khí thải, nước thải theo quy định và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương. Các nhà máy nhiệt điện than đang và thử nghiệm đi vào hoạt động phải lập dự án xử lý, thu gom lượng tro xỉ để trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31/12/2018 theo Quyết định 452 của Thủ tướng Chính phủ... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các tập đoàn, tổng công ty, các nhà máy nhiệt điện than phải tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp quản lý quy hoạch đầu tư hiểu rõ hơn về vai trò của nhiệt điện than, thực trạng công nghệ sản xuất công nghệ bảo vệ môi trường của các nhà máy. Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu tiêu thụ điện giai đoạn 2016-2030 vẫn tiếp tục ở mức độ cao, khoảng 10%/năm, gấp từ 1,5 đến 1,8 lần mức tăng trưởng GDP phụ thuộc vào cơ cấu của nền kinh tế. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than trong giai đoạn 2016-2030 sẽ tăng ở mức từ 13.200 MW hiện nay lên 55.000 MW vào năm 2030. Đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt khoảng 26.000 MW, chiếm 42,7% công suất đặt toàn hệ thống. Các nhà máy nhiệt điện than sản xuất khoảng 131 tỷ kWh, chiếm 49,3% tổng lượng điện sản xuất.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình chạy thử nghiệm 2 tổ máy tại phòng điều khiển trung tâm. Ảnh: Ngọc Hà
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình chạy thử nghiệm 2 tổ máy tại phòng điều khiển trung tâm. Ảnh: Ngọc Hà 
Năm 2030, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt khoảng 55.300 MW, chiếm 42,6% công suất đặt, sản xuất 304 tỷ kWh điện, chiếm 53,2%  tổng lượng điện sản xuất. Ngoài công suất của nhiệt điện than tăng mạnh, các nhà máy sản xuất điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối cũng sẽ tiếp tục được nghiên cứu đầu tư để tăng công suất, riêng thủy điện sẽ giảm xuống còn 2,4%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng công suất đặt của các nhà máy điện than là 14.525 MW, chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống; trong đó, các nhà máy nhiệt điện than của EVN có tổng công suất đặt là 9.585 MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống. Tổng lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong năm 2016 là 68,21 tỷ kWh điện, chiếm 37,79% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Ngọc Thiện 

Có thể bạn quan tâm