Phát triển hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Phát triển hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh
Tính đến hết tháng 9/2017, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 536 hợp tác xã; trong đó số đang hoạt động là 421 hợp tác xã và 4 Liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp hợp tác xã  năm 2012 đạt trên 97%. Với phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. 
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, bên cạnh những mô hình tiêu biểu và những kết quả đạt được, phát triển hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là nhận thức của cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác tại một số xã, phường, thị trấn của huyện còn chưa sâu, công tác tuyên truyền chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của hợp tác xã còn hạn chế, thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của hợp tác xã, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển hợp tác xã kiểu mới. 

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của hợp tác xã hiện đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của các hợp tác xã do nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thiết thực…; cơ sở hạ tầng, trụ sở (văn phòng làm việc, giao dịch, khu vực nhà xưởng, sơ chế, chế biến…) của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã còn nhỏ, chưa đủ khả năng hình thành chuỗi trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, giá thành sản xuất vẫn còn cao, năng lực cạnh tranh của hợp tác xã chưa mạnh. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam, để mô hình hợp tác xã phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh nên có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp, thông qua việc cử cán bộ tham gia vào Ban Giám đốc hợp tác xã (kinh phí có thể bao gồm do doanh nghiệp và ngân sách thành phố cùng tài trợ). Điều này sẽ khắc phục được tình trạng bất cập về bất đồng trong liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, đồng thời có thể cải thiện bất cập về nhân lực cho hợp tác xã trong ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên được tạo điều kiện để góp vốn vào hợp tác xã, hoặc ngược lại hợp tác xã góp vốn vào doanh nghiệp. Điều này sẽ làm cho 2 bên có trách nhiệm hơn trong vấn đề liên kết cũng như khắc phục được tình trạng thiếu vốn khi các hợp tác xã khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ hiện nay. 
Người tiêu dùng chọn mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op mart (thuộc Liên hiệp HTX Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Người tiêu dùng chọn mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op mart (thuộc Liên hiệp HTX Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, để phát triển kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quan tâm củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có, vận động thành lập mới, kiện toàn ban chỉ đạo kinh tế tập thể các quận, huyện để đi vào hoạt động thực chất, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã thành phố. 

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức, nhất là các tổ chức hợp tác xã trong và ngoài nước nhằm tranh thủ các nguồn lực để phát triển. Hàng năm, cần thực hiện khảo sát nhu cầu của các hợp tác xã để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên, người lao động…/.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm