Nhiều chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer

Nhiều chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer
Sáng 6/4/2019, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Họp mặt các đại biểu tiêu biểu dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Sáng 6/4/2019, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Họp mặt các đại biểu tiêu biểu dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chia sẻ tạo điều kiện giúp đỡ của cộng đồng, kinh tế xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm nhanh và khá bền vững, số hộ nghèo giảm bình quân từ 3-5%/năm. Nhà nước đã hỗ trợ đất và làm nhà ở cho trên 120 nghìn hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho gần 10 nghìn hộ, đào tạo nghề cho 98 nghìn người, tạo việc làm mới cho trên 142 nghìn lao động, hơn 521 nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Theo Ủy ban Dân tộc, đến nay đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,59% năm 2005 xuống còn 16,5% vào năm 2017. Tỷ lệ hộ có phương tiện nghe nhìn trên 98%, nhiều nơi đạt 100%. Tỷ lệ hộ có điện sử dụng chiếm trên 97%, sử dụng nước hợp vệ sinh trên 80% (có nơi trên 90%). Nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất, hộ nông dân sản xuất giỏi được điển hình, biểu dương.

Cũng từ 2004 đến nay, các địa phương đã đầu tư xây dựng trên 229 công trình cấp nước tập trung với kinh phí hơn 389 tỉ đồng; xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt phân tán cho trên 68.950 hộ, kinh phí hơn 67,7 tỉ đồng. Các địa phương đã hỗ trợ đất sản xuất cho khoảng 9.728 hộ, với diện tích khoảng 3.227 ha; đào tạo nghề cho 11.380 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, mua máy móc nông cụ, chuyển đổi ngành nghề cho trên 73.100 lao động với kinh phí trên 163 tỉ đồng; cho vay vốn ưu đãi 105.877 hộ với số tiền gần 198,5 tỉ đồng để mua đất sản xuất, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm.

Ngoài ra, từ năm 2001 đến nay, các địa phương trong vùng cũng quan tâm thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho hộ dân tộc thiểu số và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với mức từ 300.000- 1.000.000 đồng/hộ, tổng kinh phí trên 513 tỉ đồng.

Hệ thống đường giao thông, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện lưới quốc gia, cơ sở thương mại và dịch vụ, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản với nhiều quy mô khác nhau… tiếp tục được các địa phương đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Một số tỉnh, thành phố còn xây dựng mô hình trang trại, nông trường, khu công nghiệp và mở ra nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ đã thu hút hàng vạn người Khmer tham gia lao động. Toàn vùng cũng đã có trên 100 xã, trung tâm cụm xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, xây dựng trên 6.100 công trình thiết yếu các loại và hàng nghìn dự án phát triển sản xuất. Các tỉnh, thành cũng đã đầu tư cho trên 99% xã vùng dân tộc có đường cho xe ô tô đến trung tâm xã; bình quân 65% đường ấp - liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa góp phần làm thay đổi vùng dân tộc.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, việc lồng ghép các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt… đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Nhiều cụm dân cư có trạm cung cấp nước sạch, cấp lu chứa nước sạch nhiều hộ được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Trưởng Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ Lương Văn Trừ cho biết: Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, thành phố tổ chức bình xét và cấp đất, cấp nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở, nhà ở. Theo đó, thành phố đã xây dựng hoàn thành 3 khu dân cư dành cho hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào Khmer tại huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn với tổng diện tích trên 28.500 m2, kinh phí thực hiện trên 29,5 tỉ đồng. Thành phố đã hỗ trợ 217 hộ về đất ở và hoàn thành 100% mục tiêu đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số... 

Nhờ 19 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho dân tộc thiểu số, đồng bào Khmer đã được vay tổng số vốn trên 778 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã giúp hơn 521 nghìn lượt hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; trên 262 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 172 nghìn lao động; xây dựng hơn 292 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...

Bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc cho biết: Nếu như những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 2- 4%/năm, từ năm 2016 có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Cụ thể, cuối năm 2016, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 23,45%. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 17,42%... Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung...

Tuy đã đạt được nhiều kết quả so với trước đây nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Ủy ban Dân tộc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn trên 54 nghìn hộ nghèo, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 16,5%. Toàn vùng hiện có 95 xã và 969 thôn đặc biệt khó khăn, 334 xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, do đặc thù dân cư địa bàn cư trú và tập quán sản xuất nên đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, chưa tạo được sinh kế có thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng có cuộc sống tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 trong đó giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào tháng10/2019 và thực hiện từ năm 2021.
Ngọc Thiện  

Có thể bạn quan tâm