Nghị quyết 37 tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở Thái Nguyên

Nghị quyết 37 tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở Thái Nguyên

Theo thống kê chưa đầy đủ của Thái Nguyên, bám sát các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn từ năm 2011 -  2018 tăng 14,9%, trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%; dự ước giai đoạn 2019 - 2020 tăng bình quân từ 8 - 9%; bình quân cả giai đoạn 2011 -  2020 tăng 13,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là tăng 10%. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21 triệu đồng/năm (2010) lên 77,7 triệu đồng/người (năm 2018), dự kiến đến năm 2020 đạt 90 triệu đồng/người, vượt mục tiêu đề ra.

Thu hái chè đặc sản tại vùng chè La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên- TTXVN
Thu hái chè đặc sản tại vùng chè La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
                                         Ảnh: Hoàng Nguyên- TTXVN

Cơ cấu kinh tế Thái Nguyên tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Nếu như năm 2010, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 35,7%, khu vực dịch vụ chiếm 43,8%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,5%, đến năm 2018 khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 57,2%, khu vực dịch vụ chiếm 31,9%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,9%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng từ 2.725 tỷ đồng (năm 2010) lên trên 15.000 tỷ đồng (năm 2018), tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010 và tăng bình quân hàng năm 23,8%/năm. Ngoài ra, tỷ lệ lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản năm 2011 là 65,43% đến năm 2018 là 40,6% trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 28,28% (năm 2011) lên 35,28% (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 2%/năm... Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Theo ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 37, Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có trên 50 cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung theo chỉ đạo tại Nghị quyết 37. Nổi bật là các chính sách: Đầu tư hỗ trợ sản xuất và đời sống ở các xã, thôn, bản được hưởng chương trình 135, các xã nghèo ngoài chương trình 135, các xã thực hiện dự án Quy hoạch bố trí dân cư, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án khuyến nông, lâm, ngư nghiệp (năm 2007); quy định về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, quy định hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (năm 2012); chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020... Quá trình triển khai Nghị quyết 37, các cấp ủy Đảng làm tốt công tác xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt, năng động sát tình hình và hiệu quả của các cấp chính quyền, bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ kịp thời, hợp lý, đúng người, đúng việc. Hàng năm, tỉnh đều xác định rõ chủ đề để tập trung điều hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tích cực đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 37, Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới, như kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhanh nhưng chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; mạng lưới y tế phát triển nhanh nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, các bệnh viện đa khoa; nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các hành vi xả thải trái phép chưa kịp thời được phát hiện và xử lý, ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa có kết quả rõ nét, chưa đáp ứng được yêu cầu.../.
                                                                                                                                                    Hoàng Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm