Nghị quyết 27 tạo bước đột phá trong cải cách tiền lương

Nghị quyết 27 tạo bước đột phá trong cải cách tiền lương
Sau hơn nửa thập kỷ với 4 lần thực hiện cải cách chính sách tiền lương cùng với khá nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước được ban hành, chế độ tiền lương hiện hành vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập...
Hàng trăm công nhân ở Bình Phước nhận lương sau khởi kiện chủ công ty bỏ trốn. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
 Hàng trăm công nhân ở Bình Phước nhận lương sau khởi kiện chủ công ty bỏ trốn. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
Mới đây, Hội nghị trung ương 7 (Khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 27- NQ/TW, ngày 21/5/2018 (Nghị quyết 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Nghị quyết đang được kỳ vọng là bước đột phá mới trong thời gian tới.Nhiều bất cập trong chính sách lương Những ngày gần đây thông tin về con số 17 “quán quân” của cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia", chỉ có 3 người hiện sống tại Việt Nam, còn lại 15 “quán quân” quyết định chọn con đường làm việc và học tập tại nước ngoài. Thực trạng này cho thấy rõ sự chảy máu chất xám đáng báo động mà nguyên nhân sâu xa của nó lại xuất phát từ vấn đề thu nhập và tiền lương. 15 “quán quân” đó đã lựa chọn con đường tiếp tục làm việc ở nước ngoài với mức lương mà họ thấy thỏa mãn thay vì về Việt Nam để hưởng mức lương theo ngạch, bậc mà cao lắm cũng không vượt mức 7 triệu đồng/tháng lúc khởi đầu. Sau 5 năm học Thạc sỹ và Tiến sỹ ở Australia, chị Nguyễn Đoan Tr. về công tác tại một đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam. Chị Tr. cho biết, với ngạch nghiên cứu viên, hệ số 3,33, hiện tổng tiền lương, phụ cấp của chị nhận được hàng tháng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Theo chị Tr., cách tính lương, xác định hệ số hiện nay rất khó để có sự công bằng vì cách tính lương mang tính cào bằng, không dựa trên việc đánh giá đúng vị trí, tính chất, yêu cầu công việc. Hơn nữa, cách tính lương hiện nay là cào bằng giữa người không làm được việc và người làm được việc, giữa người có trình độ cao và trình độ thấp, ai cũng như ai trả lương như nhau nên không mang tính khuyến khích. Điều quan trọng hơn, cách tính lương hiện nay không dựa trên thực tế cuộc sống, không có khả năng chi trả cho cuộc sống tối thiểu của người lao động. Đơn cử với mức lương của một công chức mới ra trường có hệ số 2,34 không thể đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu tại Hà Nội chứ không nói đến việc người đó sử dụng tiền lương để tái sản sinh sức lao động để tiếp tục cống hiến. Từ thực tế trên cho thấy, chính sách tiền lương hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu hợp lý cần sớm được cải cách. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay, tiền lương là phần chính lại bé hơn phần phụ, dẫn đến việc không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, hiện mức lương còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị, chưa sát với đặc thù nghề nghiệp và tính chất lao động của một số ngành. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp đang tồn tại, có người hưởng cùng một lúc nhiều loại phụ cấp. Phụ cấp đang chiếm tỷ lệ cao trong lương làm mất đi bản chất của tiền lương. Trao đổi với báo giới, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ, thiết kế hệ thống thang, bảng lương, mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hệ số, chia ra nhiều bậc lương rất phức tạp, khoảng cách giữa các bậc về tiền lương rất nhỏ, có tính bình quân cao. Đồng thời, lại có nhiều loại phụ cấp lương (trên 20 loại) có tính chất cơi nới bù vào lương cho cán bộ, công chức, viên chức lương thấp. Hệ thống này vẫn chưa triệt để trả lương theo vị trí việc làm với chức danh và tiêu chuẩn rõ ràng. Do đó, dẫn đến việc trả lương theo người và thâm niên là chủ yếu làm cho biên chế ngày càng tăng và khó kiểm soát. Bên cạnh cách tính lương có tính bình quân, cào bằng, một thực trạng khác đó là hệ thống lương của Việt Nam còn thiếu tính thực tế khi mức lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu cho người dân. Điều này dẫn đến việc cán bộ công chức phải tìm mọi cách để tăng thêm thu nhập. Chính điều này làm cho chất lượng công vụ giảm và cũng sinh ra nhiều chuyện tiêu cực, nhũng nhiễu, thậm chí là tham ô, hối lộ, tham nhũng. Ông Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ cũng phải thừa nhận, lương trong khu vực công, cán bộ công chức không đủ sống. Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 1 từ 2001-2010 đã xác định năm 2015 cán bộ sống được bằng lương thế nhưng đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Văn Lý, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động vẫn còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho công chức, viên chức. Trong khi đó, đối với chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp hiện cũng chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp; chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động. Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Phạm Minh Huân cho rằng, hiện còn thiếu chính sách nghiên cứu thị trường, tác động của chính sách lương, tác động của chính sách lương tới thị trường doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều bất cập kể trên nhưng cũng phải thừa nhận, thời gian qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ) có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống. Tiền lương khu vực công đã từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương. Quy định bảng lương chuyên môn theo ngạch, bậc đối với công chức, viên chức, các chức vụ lãnh đạo hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp lãnh đạo tạo thuận lợi cho việc điều động, luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị và thực hiện được nguyên tắc bổ nhiệm, miễn nhiệm có lên-có xuống, có vào-có ra khi thay đổi chức danh. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương đã thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với điều kiện lao động, lĩnh vực và ngành nghề làm việc. Đã có các loại phụ cấp, từ phụ cấp thu hút, phụ cấp theo điều kiện làm việc, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp theo lĩnh vực công tác… Đã từng bước đổi mới và tách riêng cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của cơ quan hành chính và khu vực sự nghiệp công lập để tăng thêm thu nhập cho công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Tiền lương khu vực doanh nghiệp đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bước đầu dựa trên cơ sở thương lượng và thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, giảm dần sự can thiệp hành chính của cơ quan nhà nước. Mức lương tối thiểu được luật hóa tại Bộ luật Lao động, được hình thành trên cơ sở thương lượng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia với thành phần cân bằng của ba bên là đại diện của người lao động, đại diện của doanh nghiệp và đại diện của Nhà nước thay vì Nhà nước đơn phương định đoạt, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Những mặt tích cực cần được ghi nhận, nhưng những hạn chế được chỉ ra ở trên cũng là điều kiện cần cải cách. Nghị quyết 27, Hội nghị Trung ương khóa XII là một trong những giải pháp đột phá để đáp ứng điều đó.Nghị quyết 27 và tư duy đột phá Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương là cuộc “cách mạng” thực sự trên lĩnh vực tiền lương. Nghị quyết ra đời nhằm giải quyết đồng bộ, toàn diện, triệt để, sâu sắc lĩnh vực chính sách tiền lương, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội phát triển, phát huy cao độ nguồn lực con người - yếu tố có tính chất quyết định cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức đáp ứng cuộc cách mạng công nghệp 4.0. Từ đó sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đánh giá về những điểm mới trong cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam ngay khi Nghị quyết được ban hành, trên trang Web của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)  tại Việt Nam đã có bài cho rằng: Cấu phần về lương trong khu vực công của Nghị quyết là một sự đột phá đối với không chỉ hệ thống tiền lương khu vực công, mà cả với quản trị khu vực công. Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee nhận định: Hệ thống tiền lương lỗi thời và phức tạp trong khu vực công là một “nút thắt” lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Chính vì thế, Nghị quyết đã đưa công cuộc cải cách tiền lương ở khu vực công vào đúng quỹ đạo, do đó sẽ mang lại những bước tiến dần dần nhưng vững chắc để cải thiện hiệu suất của khu vực công. Đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị quyết cũng ghi nhận đúng đắn vai trò của tiền lương tối thiểu là “mức sàn (tiền lương) thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế”, đồng thời coi tiền lương tối thiểu là “căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động”. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong việc định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu trên cơ sở cân nhắc đầy đủ yếu tố năng suất lao động và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tổ chức ILO cũng nhấn mạnh, Nghị quyết chỉ ra vai trò của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể còn hạn chế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay và ghi nhận rằng “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”. Do đó, Nghị quyết đề cao nhu cầu nâng cao vai trò và năng lực của công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương trong thời điểm này với nhiều quan điểm, giải pháp đột phá là hết sức cần thiết. Nghị quyết đưa ra một chính sách tiền lương với tư duy mới, cách tiếp cận mới, học hỏi kinh nghiệm thế giới và khắc phục được những hạn chế hướng tới một chính sách tiền lương khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Nghị quyết sẽ tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo chị Nguyễn Đoan Tr., với những đột phá, những giải pháp hết sức cụ thể mà Đề án Cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 thông qua như thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới; quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí việc làm… với quan điểm tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; … Nghị quyết sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến đặc biệt là thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy. Trước những băn khoăn khi tăng lương sẽ tạo áp lực lên ngân sách do phải nuôi khá nhiều người, ở nhiều tổ chức bộ máy, ông Phạm Minh Huân cho rằng, cần phải tổ chức lại bộ máy, làm sao sắp xếp lại cho tinh gọn, rồi xác định con người, tạo ra một cơ chế lương để khuyến khích người giỏi, phân biệt người làm tốt, người làm chưa tốt, công bằng chứ không phải bình quân. Khu vực công phải dần bỏ làm những công việc mà xã hội làm được, làm tốt hơn Nhà nước. Khu vực công chỉ làm việc khó, xã hội không làm được. Cần phát huy cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Khi đó bộ máy giảm đi, chi phí tiền lương xã hội sẽ giảm đi, như vậy sẽ đỡ gây áp lực cho ngân sách. Việc Nghị quyết 27 ra đời đã được người dân cả nước đánh giá cao và ghi nhận như sự quyết tâm cải cách chế độ tiền lương của trung ương. Ông Đặng Đức Hạnh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Sơn Tây, Hà Nội nhận định:  Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động, thực hiện chế độ tiền lương xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở xã.
Quốc Huy
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm