Lập lại trật tự lòng lề đường tại Thành phố Hồ Chí Minh: Còn thiếu bền vững

Lập lại trật tự lòng lề đường tại Thành phố Hồ Chí Minh: Còn thiếu bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, lập lại trật tự lòng lề đường là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đô thị và phải được tiến hành một cách thường xuyên, quyết liệt nhưng kiên trì, bĩnh tĩnh, không nóng vội. Trong đó then chốt vẫn là công tác vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Muốn vậy cơ quan quản lý Nhà nước phải chọn tuyến đường cụ thể để khảo sát, nắm chắc tâm lý từng hộ dân, sau khi lập lại trật tự phải bàn giao cho tổ dân phố tự quản.
Lấn chiếm vỉa hè buôn bán tại đường Đỗ Quang Đẩu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
Lấn chiếm vỉa hè buôn bán tại đường Đỗ Quang Đẩu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
 
Hiện trên địa bàn thành phố có 4.151 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4.000km, trong đó có 51% tuyến không có vỉa hè, đặc biệt là quận Phú Nhuận. Trong số các tuyến đường có vỉa hè chỉ thì chỉ có 1.491 tuyến có vỉa hè dưới 3m, còn vỉa hè trên 3m có khoảng 772 tuyến đường.
 
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, lòng đường, vỉa hè là để phục vụ giao thông nhưng do đặc thù của thành phố về kinh tế, mật độ dân số nên đặt ra vấn đề phải quản lý, sử dụng hợp lý, trong đó trách nhiệm chính thuộc về quận huyện có sự phân cấp phường xã. Vỉa hè khu vực doanh nghiệp quản lý rất chặt chẽ, trong khi xung quanh các cơ quan Nhà nước lại xảy ra tình trạng lấn chiếm, buôn bán hàng rong. Cùng với đó là tình trạng ngày càng phổ biến hoạt động kinh doanh gây mất an toàn giao thông, chợ tự phát, kinh doanh mất vệ sinh, hành vi bảo kê, tiếp tay, trục lợi…
 
“Quan điểm giải quyết của thành phố là phải kiên quyết xử lý hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đối với những hành vi chưa ảnh hưởng sâu đến an toàn, trật tự giao thông thì kiên trì tuyên truyền, vận động, gắn với việc tăng tính tự quản phường xã sau khi tạo lập trật tự. Ngoài ra, thành phố sẽ điều chỉnh cơ cấu quy hoạch đô thị, trong đó có không gian ngầm, sẽ góp phần phát triển giao thông công cộng, giảm thiểu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, thay đổi dần ý thức buôn bán của người dân đồng thời góp phần tạo sự thông thoáng phía trên đường phố, vỉa hè”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
 
Dưới góc độ mặt trận đoàn thể, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè của thành phố đã kéo theo làn sóng hưởng ứng trên cả nước, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó có nhiều phường trong quận, nhiều quận trong thành phố đã ký kết liên tịch giải quyết địa bàn giáp ranh, để tránh tình trạng đẩy đuổi, ném đá ao bèo.
 
Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa huy động sức mạnh toàn dân, đối tượng tuyên truyền chưa rõ, nhiều nơi chưa có chiến lược tập trung, bền bỉ, một số cán bộ ngại đụng chạm, vẫn còn tâm lý đẩy đuổi, hù doạ cũng như chưa mạnh tay đối với một số hành vi chống đối, cố tình.
 
Chia sẻ về giải pháp quản lý trật tự lòng lề đường, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay Sở Giao thông vận tải đang xây dựng sửa đổi quyết định về việc sử dụng các tuyến đường được phép đậu xe, các vỉa hè được phép tạm thời sử dụng với các tiêu chí cụ thể, ở từng khu vực. Sau khi hoàn chỉnh sẽ lấy ý kiến phản biện, trình UBND thành phố thông qua và sẽ triển khai, công khai đến các quận huyện. Ngoài ra, để tạo thêm không gian cho người đi bộ, Sở Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu việc cải tạo nâng cấp vỉa hè, làm cầu bộ hành, đường đi bộ trên cao…/.
  Trần Xuân Tình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm