Kon Tum phát triển diện tích cà phê xứ lạnh

Kon Tum phát triển diện tích cà phê xứ lạnh
Đăk Hà là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Đăk Hà là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN 
Với mục tiêu giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, tỉnh Kon Tum đã có đề án phát triển cà phê xứ lạnh. Theo đó, những hộ tham gia đều được chính quyền hỗ trợ giống, phân bón trong suốt thời kỳ kiến thiết cơ bản đến khi cây cà phê ra quả (3 năm). Ngoài ra, trước khi trồng cà phê, người dân được tập huấn kỹ thuật. Sau đó, cán bộ kỹ thuật cũng theo dõi, hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc. Nếu như năm 2014, lần đầu tiên triển khai trồng cây cà phê xứ lạnh chính quyền huyện Kon Plông đã phải đi vận động từng hộ dân nghèo, tự lập danh sách nhưng cũng chỉ trồng được hơn 30 ha thì đến cuối năm 2017 đã có 818 hộ dân tham gia trồng lên gần 240 ha. Riêng năm 2018 số diện tích đăng ký tham gia trồng mới lên đến hơn 230 ha. Là hộ tham gia trồng từ năm 2015, đến nay, 3 sào cà phê của gia đình anh A Thương ở làng Đăk Lim, xã Hiếu đã thu bói được hơn 3 triệu đồng. Đây là niềm vui lớn của gia đình. Theo A Thương, tham gia trồng cà phê người dân chỉ bỏ công đào hố, làm cỏ, bón phân. Giống, phân bón, vôi được nhà nước hỗ trợ 100%. “Cà phê dễ trồng, phát triển tốt. Người trồng chỉ cần thường xuyên làm cỏ. Cây cà phê xứ lạnh phù hợp với đất và thời tiết ở xã Hiếu. Mình rất vui vì cà phê cho thu nhập sớm, bước đầu đã thấy có hiệu quả. Mình hy vọng sẽ có nhiều người dân ở Kon Plông tham gia trồng”, anh A Thương thừa nhận. Ông Trương Ngọc Tuyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, ngoài việc hỗ trợ 100% chi phí đầu tư trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch, để giúp dân an tâm với đầu ra của sản phẩm, chính quyền liên kết với các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum trong việc thu mua. Theo đó, doanh nghiệp cam kết mua theo giá thị trường, không thấp hơn giá sàn là 7.000 đồng/kg nhằm giúp dân yên tâm trồng, không lo mất giá. Tuy nhiên, trong vụ cà này, doanh nghiệp mua cao hơn giá bảo hiểm từ 1.000-1.500 đồng/kg. Người dân cần thu hoạch kiểu tỉa, lựa quả chín và hái làm 3 đợt. Với cà phê có quả chín cao được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn. Cũng theo ông Trương Ngọc Tuyền, Kon Plông đang hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh cho riêng mình. Dự kiến, đến năm 2020 huyện Kon Plông sẽ trồng gần 500 ha cà phê xứ lạnh và kỳ vọng là cây xóa nghèo bền vững cho người dân nơi đây.
Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm