Khởi công Cảng hàng không Phan Thiết trong năm 2020

Khởi công Cảng hàng không Phan Thiết trong năm 2020
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
 Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Cảng hàng không Phan Thiết là 1 trong 15 cảng hàng không quốc nội trên toàn quốc. Với quy mô cấp 4E, Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I) với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Là dự án trọng điểm, đến nay tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường xa 2,6 ha. Đã bàn giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức quản lý 400 ha và bàn giao 145,6 ha diện tích đất khu hàng không dân dụng cho Nhà đầu tư BOT. Đối với hạng mục Khu gia đình quân nhân và nhà công vụ (10 ha) cũng đang triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đối với diện tích đất các đài dẫn đường và các trận địa phòng không phát sinh (30 ha), các sở, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức khảo sát, xác định vị trí. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết, một khó khăn là hiện nay nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công công trình, phấn đấu hoàn thành dự án đưa vào khai thác cuối năm 2021. Trong khi đó, Cảng hàng không dân dụng chỉ có thể đưa vào khai thác khi đường cất hạ cánh (do Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai) phục vụ hoạt động của toàn sân bay được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạng mục khu bay quân sự còn rất chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Bộ Quốc phòng. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đai được bồi thường của nhân dân đã được tỉnh Bình Thuận thực hiện hoàn thành hơn 5 năm nay, nhưng công trình vẫn chưa được triển khai xây dựng; gây bức xúc trong nhân dân, đã có một số trường hợp người dân đề nghị trả lại tiền bồi thường cho nhà nước để lấy lại đất vì hiện nay giá đất nông nghiệp tăng cao nhiều lần so với thời điểm nhà nước thu hồi đất; tạo nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự xã hội tại địa phương; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Cảng hàng không Phan Thiết để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án, làm cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư khu bay, khu quân sự, các trận địa phòng không và khu gia đình quân nhân tại Phan Thiết, phục vụ hoạt động huấn luyện, đào tạo phi công quân sự của Trung đoàn Không quân 920. Cùng với đó UBND tỉnh Khánh Hòa có căn cứ pháp lý để triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật để bán đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang nhằm tạo nguồn vốn đầu tư dự án xây dựng khu sân bay quân sự tại Cảng hàng không Phan Thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 26/6/2018. UBND tỉnh Bình Thuận cũng có cơ sở triển khai thu hồi đất để đầu tư xây dựng các hạng mục mới (đài dẫn đường máy bay quân sự, các trận địa phòng không và đường giao thông kết nối), đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đưa vào khai thác Cảng hàng không Phan Thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao tỉnh Bình Thuận trong công tác bồi thường, giải phóng toàn bộ mặt bằng sân bay 543 ha. Theo Thượng tướng Trần Đơn, việc nâng cấp Cảng hàng không Phan Thiết từ 4C lên 4E là phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giao thông vận chuyển hành khách thuận lợi hơn. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Bộ Quốc phòng cũng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đây là công trình lớn có ý nghĩa chính trị quan trọng, do vậy yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn thành hồ sơ các hạng mục đi kèm để tiến hành khởi công Cảng hàng không Phan Thiết trong năm 2020.
Nguyễn Thanh

Có thể bạn quan tâm