Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số

Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc nghiên cứu chính sách dân tộc của một số quốc gia trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, từ đó có đề xuất bổ sung hoàn thiện chính sách dân tộc của Việt Nam trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo Kinh nghiệm Quốc tế về xây dựng và thực hiện một số chính sách đối với dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN.
Quang cảnh hội thảo Kinh nghiệm Quốc tế về xây dựng và thực hiện một số chính sách đối với dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, trọng tâm hội thảo là nghiên cứu quan điểm dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc của một số quốc gia; chính sách dân tộc quốc gia thống nhất (gồm chính sách ngôn ngữ của dân tộc, quan hệ của một dân tộc tự trị, xung đột dân tộc, biên giới, lãnh thổ...); chính sách xã hội (gồm nhập cư, gia đình xã hội, giáo dục y tế và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số…); chính sách kinh tế (gồm đất đai, giảm nghèo, lao động và việc làm) và chính sách về văn hóa (gồm bảo tồn văn hóa truyền thống và chính sách tôn giáo).
 
Qua nghiên cứu về quan điểm và chính sách dân tộc của một số quốc gia Đông Nam Á, Tiến sĩ Trần Văn Hà, Viện Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi của chính sách dân tộc ở các nước đều hướng tới việc củng cố khối đoàn kết cộng đồng quốc gia, dân tộc. Xây dựng bản sắc văn hóa quốc gia được coi là công cụ quan trọng trong việc củng cố, phát triển khối thống nhất quốc gia, dân tộc. Nhà nước với vai trò quản lý xã hội và điều phối các quan hệ xã hội thông qua các chính sách xã hội, trong đó chính sách dân tộc bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử, thể chế chính trị và tình hình dân tộc.
Tiến sĩ Trần Văn Hà, Viện Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN
Tiến sĩ Trần Văn Hà, Viện Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN
 
Tiến sĩ Trần Văn Hà nhấn mạnh, vấn đề dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc đều hướng tới mô hình hiện đại: Quốc gia -  dân tộc. Mối quan hệ giữa các tộc người với quốc gia là cốt yếu, trong đó dân tộc bản thể (hay chủ thể/đa số) là rường cột.
 
Bên cạnh những thách thức, Việt Nam cần tập trung các vấn đề xây dựng bản sắc văn hóa quốc gia và phát triển bền vững văn hóa tộc người; chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng miền (sinh thái, vùng kinh tế ) và chính sách nhóm dân tộc đặc thù…
 
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về khung chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng bền vững; phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học, công nghệ và các chính sách đặc thù khác như xóa đói giảm nghèo, tín dụng, việc làm...

Bên cạnh đó, cần đặt chính sách dân tộc hiện nay trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các vùng trên cả nước, trong đó có các vùng biên giới, vùng tiếp nối với các tỉnh nằm trong chiến lược để từ đó có chính sách phát triển vùng hợp lý…
Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN.
Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Thanh Vũ-TTXVN.
 
Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nên nghiên cứu cơ chế tập trung nguồn lực, không phân tán rời rạc, tản mạn theo các lĩnh vực, chương trình như hiện nay.

Các chương trình làm việc cho dân tộc thiểu số nên được tiếp cận toàn diện hơn; chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cần được thiết kế theo thực tiễn và yêu cầu phát triển của các đối tượng…
 
Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội./.
  Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm