Hòa Bình: Sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình ​

Hòa Bình: Sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình ​
Các đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Nhan Sinh- TTXVN
Các đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Nhan Sinh- TTXVN

Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, biểu quyết thông qua 11 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một số nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín (đoạn qua thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy); Nghị quyết về phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh; Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, theo Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, toàn bộ dân số, diện tích huyện Kỳ Sơn sẽ sáp nhập vào thành phố Hòa Bình. Việc sắp xếp, sáp nhập các xã không đủ điều kiện về diện tích, dân số trong tỉnh sẽ giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã, tiết kiệm được khoản chi lớn cho ngân sách.

Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021, đối với ông Bùi Văn Thắng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nghỉ hưu theo quy định và bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Các đại biểu HĐND tỉnh lưu ý UBND tỉnh chủ động có phương án xử lý đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau khi sáp nhập, có lộ trình cụ thể và chính sách thích hợp để đảm bảo quyền lợi cho họ. Sau khi sáp nhập, nhiều địa phương có điểm trung tâm xa, khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh cần xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương kịp thời hướng dẫn việc xác định lại đơn vị hành chính, cơ chế chính sách; việc sử dụng, quản lý, quy hoạch cán bộ, quản lý tài sản chung và việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trạm y tế và các thiết chế văn hóa khác; các cơ quan quản lý cần đảm bảo việc tăng mức thu học phí đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện cơ sở vật chất...

Với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp báo cáo giải trình, làm rõ những nội dung trong thảo luận; đồng thời cam kết đôn đốc, phối hợp giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại trong thời gian tới.

Giải trình những ý kiến còn khác nhau trong nội dung thảo luận, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã làm rõ thêm tình hình, thực trạng về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; mức hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định, đảm bảo ổn định đời sống chính trị - xã hội và quyền, lợi ích của công dân.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có kế hoạch triển khai cụ thể, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Kỳ họp. Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh kịp thời báo cáo kết quả Kỳ họp với cử tri; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và người dân các dân tộc trong tỉnh; tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn đời sống để kịp thời phản ánh, kiến nghị HĐND, UBND và các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Kỳ họp.
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm