Hiệu quả của việc sáp nhập các đơn vị trường học tại huyện Mường Tè, Lai Châu

Hiệu quả của việc sáp nhập các đơn vị trường học tại huyện Mường Tè, Lai Châu
Giờ học môn Tiếng Việt của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Giờ học môn Tiếng Việt của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên - TTXVN

Hiệu quả thiết thực

Thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện của lãnh đạo huyện Mường Tè, bắt đầu từ tháng 8/2017, Trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2, xã Bum Tở đã tiến hành sáp nhập thành một trường lấy tên gọi là trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở.

Theo thầy Phạm Thành Lưu, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học với nhau tạo nhiều thuận lợi và đạt được hiệu quả rõ rệt. Sau khi  sáp nhập, hiện nay tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường là 54 người, giảm 6 người so với trước đó, bao gồm 2 cán bộ quản lý (1 Hiệu trưởng và 1 Hiệu phó) và 4 nhân viên (kế toán, y tế học đường, bảo vệ, nhân viên phục vụ).

Chia sẻ về hiệu quả lớn nhất mà đề án sáp nhập các đơn vị trường học mang lại, thầy Phạm Thành Lưu cho rằng: “Thứ nhất là tinh giản được biên chế; thứ hai, thống nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong các đơn vị trường, không còn chênh lệch trình độ giữa các đơn vị trường; tăng cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa các thầy cô giáo...

Giờ học của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên – TTXVN
Giờ học của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên – TTXVN

Căn cứ vào tình hình thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã lên kế hoạch; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, đối với những điểm trường có học sinh dưới 200 em thì tiến hành hoàn thiện, rà soát lại số chức danh quản lý, số giáo viên, nhân viên phục vụ, học sinh để sắp xếp, sáp nhập trường. Dự kiến, đến năm 2025 toàn huyện phấn đấu sắp xếp, sáp nhập và giảm xuống còn 35 trường, giảm khoảng 110 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên phục vụ.

Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Việc sáp nhập các đơn vị trường học góp phần tiết kiệm được nguồn ngân sách, không phải đầu tư cả một hệ thống nhà hiệu bộ. Khi sáp nhập sẽ giảm được ít nhất hơn 5 tỷ đồng một trường, bớt đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, về khối nhà hiệu bộ, nhà làm việc cho hệ thống cán bộ quản lý, giáo viên.

Bà Lý Mỹ Ly cũng nêu rõ: "Cái được thứ hai là lựa chọn được người quản lý xuất sắc để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, đó là tinh giản biên chế, giảm bớt được Hiệu trưởng, đi kèm với đó là giảm chi phí về tài chính, giảm bớt hệ số chi trả cho hệ thống quản lý; tiếp đến là tinh giản nhân viên phục vụ...”.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè khẳng định: Tuy đang trong quá trình thực hiện thí điểm, nhưng chắc chắn sẽ giảm được biên chế, giảm được cán bộ quản lý, sau nữa là giảm được một số chức danh. “Trước đây mỗi đơn vị trường có một kế toán, nhưng nay sẽ sắp xếp lại và 3 đơn vị trường có một kế toán” ông Trần Đức Hiển lấy ví dụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, theo kế hoạch, trong thời gian tới huyện xác định sẽ tiến hành sáp nhập các trường học liên cấp. Theo đó, trường tiểu học với trường trung học cơ sở sáp nhập vào thành trường liên cấp Tiểu học Trung học cơ sở. “Trước đây học sinh tiểu học chuyển lên cấp học trên, nhưng cấp học trên lại có lý do là cấp học dưới chưa chú trọng nâng cao chất lượng, nay hai trường sáp nhập với nhau thì tất cả chỉ về một mối, chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng dạy và học khi các trường sáp nhập", ông Hiển chia sẻ.

Khó khăn, thách thức cũng không ít

Hiệu quả mà đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mường Tè mang lại rất rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thí điểm cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Mường Tè.

Giờ học của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên – TTXVN
Giờ học của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở (sáp nhập từ trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2). Ảnh: Công Tuyên – TTXVN

Thầy Phạm Thành Lưu, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở cho biết, sau khi sáp nhập, bên cạnh những cái đạt được nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn. Thứ nhất , nhiều điểm bản cơ sở vật chất còn hạn chế, một số phòng lớp học đã xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy của các thầy cô giáo. Thứ hai, đường xá đi lại xa xôi, địa bàn rộng, vì thế công tác quản lý của các thầy cô giáo, đặc biệt là Ban giám hiệu chưa được thường xuyên hàng ngày. Một số em học sinh phải đi học xa hơn, vì trong quá trình sáp nhập học sinh bán trú sẽ tập trung về một điểm, việc đi lại sẽ xa hơn so với trước khi sáp nhập.

Dưới góc độ là nhà quản lý, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhận định, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện cũng xác định sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc sắp xếp lại các vị trí việc làm. Đối với chức danh kế toán, trước kia có 3 đầu mối kế toán thì nay giảm xuống chỉ có 1 đầu mối; đội ngũ văn thư, phục vụ cũng vậy, trước kia mỗi trường đều có đội ngũ văn thư phục vụ, nay phải rút lại. Do vậy, việc sắp xếp như thế nào với những người được tinh giảm phải đảm bảo hợp lý, hợp tình, tạo điều kiện cho cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ.

Việc sáp nhập giữa các đơn vị trường học là một hoạt động góp phần tích cực làm tinh giảm bộ máy biên chế, góp phần đổi mới công tác hành chính; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng cho học sinh.
Công Tuyên 

Có thể bạn quan tâm