Giám sát góp phần tạo ra diện mạo mới cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Giám sát góp phần tạo ra diện mạo mới cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến điều hành buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến điều hành buổi làm việc.​ Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và các thành viên Đoàn giám sát. Theo đại diện lãnh đạo Chính phủ, giai đoạn 2012 – 2018, sự nghiệp giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là một trong những điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình, hạ tầng đã được xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%); xóa bỏ phần lớn các trường tạm, lớp tạm, tạo điều kiện huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn đến trường, góp phần tích cực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các công trình thủy lợi đã góp phần tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp, cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực hàng hóa, các trạm y tế xã từng bước đạt chuẩn bảo đảm phục vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; hàng ngàn hộ dân đã có nước sạch để dùng… Các chính sách dân tộc tại thời điểm ban hành cơ bản là phù hợp, tuy nhiên một số chính sách khi xây dựng còn chưa tính đến đặc điểm địa bàn, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính sách chưa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ. Chính sách thường có mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Có chính sách định mức thấp, vốn cấp không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài nên khó khăn trong triển khai, còn một số chính sách chưa thực sự phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi như chính sách thu hút đầu tư, khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chưa chú trọng đúng mức đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh tồn và văn hóa của đồng bào dân tộc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng lưu ý, Báo cáo của Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, vào tháng 10/2019 nên cần có chiều sâu và chất lượng hơn; tiến hành so sánh kết quả mục tiêu đặt ra giữa các giai đoạn 2012 – 2015 và 2016 - 2018, kiến nghị giải pháp từ nay đến năm 2020. Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác giảm nghèo trong thời gian vừa qua đã có kết quả đáng mừng, từ hơn 34% năm 2015, đến năm 2018 chỉ còn 24,5% là một bước tiến rõ rệt. Trong đó, riêng các huyện nghèo thông thường giảm từ 5 – 6%. Các xã đặc biệt khó khăn, giảm nghèo thông thường 3 – 4%/năm. Mức thu nhập của đồng bào dân tộc giai đoạn 2011 – 2016 tăng bình quân mỗi năm khoảng 8%/năm. Trong đó, đồng bào 22 dân tộc có thu nhập bình quân đầu người từ 10,9 – 11 triệu đồng/ năm. Tiêu chí xác định hộ nghèo đã thay đổi căn bản, giai đoạn đầu là bình xét, nay chuyển sang xác định theo tiêu chí, tuy nhiên cũng có những tiêu chí chưa phù hợp. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện của mình để điều chỉnh lại tiêu chí cho phù hợp chứ không nên thực hiện máy móc... Cơ bản đồng tình với Báo cáo đánh giá của Chính phủ và các bộ, ngành, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục đánh giá sát với tình hình thực tế; phân tích kỹ tỷ lệ nghèo và diễn biến nghèo. Qua giám sát có trường hợp, số liệu giảm nghèo từ trung ương khác so với số liệu ở tỉnh, địa phương, xuống huyện, xã lại khác. Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ thêm giải pháp khắc phục thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào dân tộc, miền núi, như nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch. Chính phủ mới chỉ ra các bộ, ngành chưa phối hợp chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ chỉ đạo, khắc phục hạn chế trong thời gian tới, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu... Các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, hậu giám sát phải góp phần tạo ra bức tranh mới, diện mạo mới cho giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi....
Đỗ Bình

Có thể bạn quan tâm