Đồng bằng sông Cửu Long biến thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội

Đồng bằng sông Cửu Long biến thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trao đổi với phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) về những giải pháp để phát huy hiệu quả lợi thế mà khu vực ĐBSCL đang có.

Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa ngắn ngày chống chịu hạn, mặn nhằm thích ứng BDDKH. Ảnh: Mạnh Linh
Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa ngắn ngày chống chịu hạn, mặn nhằm thích ứng BDDKH. Ảnh: Mạnh Linh

* Ông có thể đánh giá khái quát về tiềm năng phát triển của khu vực ĐBSCL ?

- Vùng ĐBSCL là vùng đồng bằng trẻ với 4 triệu ha lúa và dân số khoảng 18 triệu người. Tiềm năng nổi bật nhất là nông nghiệp, đất đai trù phú, và có đến 60% nước ngọt của Việt Nam đổ về vùng này. Thành tích nổi bật là 90% gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ vùng này; 100% cá tra xuất khẩu cũng tại đây; tôm xuất khẩu 70%; trái cây là 40-50%...

Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL còn có lợi thế về chế biến nông sản; với lợi thế về mặt bờ biển, các ngành công nghiệp sạch (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời) cũng có tiềm năng.

Ngoài ra, vùng này còn là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với các nước AEAN, các nước tiểu vùng sông MeKong; tận dụng rất tốt về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan gắn với nông nghiệp.

* Mặc dù tiềm năng là rất lớn như ông vừa phân tích, nhưng nguyên nhân vì sao khu vực này vẫn chưa phát huy và vẫn được cho là “vùng trũng” của cả nước trong nhiều lĩnh vực ?

- Trong thời gian qua, ĐBSCL có rất nhiều thành tựu, đặc biệt là về nông nghiệp: đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, kể cả kinh tế cũng có nhiều mặt rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nghĩ vùng này chưa phát huy hết tiềm năng.

Nguyên nhân đầu tiên là việc định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL chưa được rõ ràng. Mặc dù, vùng này có lợi thế về nông nghiệp nhưng hầu hết định hướng phát triển kinh tế của các tỉnh đều xây dựng rất nhiều các khu công nghiệp; trong đó, nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; hạ tầng chưa tốt... tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp này chỉ chiếm từ 30-40%. Do đó, tính gắn kết, định hướng phát triển các ngành chủ lực chưa rõ ràng, tính gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ chưa rõ.

Bên cạnh đó, các tỉnh đều thi đua, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu sự điều phối toàn vùng, do đó có tình trạng cơ cấu kinh tế của tỉnh nào cũng "đẹp" như nhau. Tỉnh nào cũng xúc tiến đầu tư, "trải thảm đỏ" để cạnh tranh thu hút đầu tư...

Cuối cùng, nói một cách sòng phẳng, đầu tư vào vùng này ít, chưa tương xứng với tiềm năng, kể cả đầu tư nhà nước lẫn đầu tư tư nhân. Ngoài ra, đây còn là vùng trũng về nguồn nhân lực, do đó khó có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp...

* Bên cạnh những nguyên nhân trên, theo ông đâu là những thách thức lớn nhất đối với quá trình phát triển của ĐBSCL hiện nay ?

- Như tôi đã nói, liên quan đến biến đổi khí hậu thì phải "thuận thiên", do đó mình phải thích ứng, thích nghi được; trong đó, cũng phải "thuận thủy", tức là về nguồn nước.... Ví dụ: nếu có nước thì trồng lúa, còn hạn mặn thì chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Từ đó, chuyển thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, cũng cần phải tính toán lại, khi mà đã "thuận thiên, thuận thủy" rồi thì phải tạo ra những sinh kế mới phù hợp với những cơ hội có tính thị trường. Còn một điểm nữa, việc triển khai các giải pháp cũng cần phải có sự điều phối rất tốt giữa các ngành từ Trung ương đến địa phương.

* Biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL, vậy theo ông làm sao để khu vực này có thể thích nghi và phát triển được ?

- Theo tôi, việc cấp bách đầu tiên là phải có một "ông nhạc trưởng" để quy hoạch tích hợp lại. Hiện nay, tại khu vực ĐBSCL có khoảng hơn 2.000 quy hoạch của các cấp, các ngành. Do đó, các địa phương phải rà soát lại rồi đưa cho "ông nhạc trưởng" xây dựng bản phối tổng thể. Sau đó, các địa phương, các ngành dựa trên bản phối đó làm chi tiết.

Nếu làm được điều đó thì vẫn phải có một đơn vị chủ quản (ví dụ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhưng vẫn cần phải có một Hội đồng điều phối cấp vùng, việc này khó do Hiến pháp không cho phép.

Tuy nhiên Hội đồng điều phối cấp vùng mà có sự phối hợp giữa các tỉnh và các cơ quan Trung ương thì tôi nghĩ rằng có thể được. Hội đồng điều phối cấp vùng ngoài việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai quy hoạch thì còn có vai trò rất quan trọng, dựa trên quy hoạch đó thiết kế một dự án tổng thể để có những chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi sinh kế cho người dân trong vùng. Định hướng chính, phối hợp với các chuyên gia làm chi tiết cho các tiểu vùng.

Sau khi có quy hoạch, dự án tổng thể, thì Hội đồng điều phối còn một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải có nguồn lực nhất định ở cấp Trung ương để làm những công trình chung cho vùng. Với cách làm linh hoạt, mềm dẻo như ban điều phối vùng, cơ chế đầu tư công cấp vùng, cơ chế thưởng phạt... tôi cho rằng sẽ phù hợp hơn.

* Vậy theo ông có cần xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL không ?

- Đối với cơ chế đặc thù cho khu vực ĐBSCL, có một điểm lưu ý rằng đã có cơ chế đặc thù cho các đặc khu kinh tế, vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp... Do đó, không cần đòi hỏi một cách quá nhiều, hay như đòi một cấp chính quyền mà hiện nay trong Hiến pháp chưa có, thì tôi cho rằng là rất khó.

Ví dụ, đối với khu vực ĐBSCL có lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp chế biến... thì những đặc khu như vậy cũng phải được hưởng các quyền lợi như các Khu kinh tế. Về đầu tư thì cũng phải đảm bảo Nhà nước đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào. Từ đó mới đủ hấp dẫn kéo các nhà đầu tư vào đặc khu của vùng.

* Ông có đề xuất chính sách gì giúp khai thác tối đa hiệu quả khu vực này ?

- Ngoài những cơ chế chính sách đặc thù cần cho vùng này, tôi cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần những việc cần làm ngay. Ví dụ, nếu xác định đây là vùng nông nghiệp trọng điểm thì phải có một chương trình về giống trọng điểm, làm sao trong 10 năm chúng ta phải đảm bảo về giống cho cây trồng, vật nuôi như các nền nông nghiệp hiện đại khác chủ động được về giống.

Như vậy, khu vực này mới có thể đẩy nhanh nền nông nghiệp từ khai thác tài nguyên sang tận dụng khoa học kỹ thuật. Kèm theo đó, làm sao phải nâng cấp những Viện nghiên cứu vùng.

Nếu muốn biến vùng ĐBSCL thành vùng nông nghiệp hàng đầu khu vực châu Á thì các Viện nghiên cứu vùng cũng phải đứng đầu khu vực châu Á. Còn nếu chúng ta muốn tận dụng tài nguyên như trước thì rất khó.

Ngoài ra, trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng phải tính đến việc cho thí điểm thật mạnh các ban điều phối ngành hàng, làm sao để đưa bớt chức năng của nhà nước sang ban điều phối ngành hàng làm; đặc biệt là vấn đề về thị trường, thông tin thị trường, quản lý chất lượng...

Cùng với đó, phải có cơ chế chính sách đặc biệt để chuyển đổi ngành nghề cho lao động trong khu vực này.

* Xin cảm ơn ông!
Thành Trung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm