Dân vận khéo ở vùng biên giới Lai Châu (Bài 1)

Dân vận khéo ở vùng biên giới Lai Châu (Bài 1)
Bài 1: Giúp đồng bào vùng biên định canh, định cư

Lai Châu là một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức còn hạn chế. Một số vùng giáp ranh biên giới giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thậm chí có nơi người dân quen sống trên núi cao, rừng sâu, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đặc biệt là các xã khó khăn vùng biên giới đã luôn cụ thể hóa và làm tốt công tác dân vận, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu sẻ gỗ giúp dân dựng nhà. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu sẻ gỗ giúp dân dựng nhà.
Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Các sở, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương đã tăng cường cử cán bộ bám địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động bà con về lập bản sinh sống tập trung, triển khai các mô hình phát triển kinh tế để người dân thấy được hiệu quả và làm theo. Với cán bộ chiến sỹ biên phòng, nhiệm vụ lớn nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới nhưng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó, công tác dân vận là tiêu chí tiên quyết hàng đầu. Xác định, địa bàn biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, lực lượng Biên phòng tỉnh Lai Châu luôn chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận.

Xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) có 12 bản, 762 hộ với 3.362 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc La Hủ chiếm đến 98%. Trước đây bà con dân tộc La Hủ có tập quán du canh, du cư và tỷ lệ đói nghèo cao. Với phương châm có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu) đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động từng nhóm hộ dân tộc La Hủ sống trên các khe núi, lưng đồi về dựng thành các bản. Không chỉ bạt đồi mở lối, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ còn gùi từng tấm proximăng, tấm tôn đi bộ hàng chục cây số, lội suối, băng rừng để dựng nhà cho người dân định cư.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân dựng nhà, lập bản để định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân dựng nhà, lập bản để định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa các nhóm người La Hủ sống rải rác tại các vùng núi về lập các bản Hà Xi, Tân Biên, Mô Chi; làm nhà đại đoàn kết cho gần 100 hộ dân dân tộc La Hủ; đồng thời huy động sức người và của giúp đồng bào La Hủ tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ của đồn giúp dân xây dựng các mô hình nuôi bò tập trung, mô hình trồng lúa nước, trồng cây sa nhân, thảo quả...Nhờ vậy, nhân dân đã không còn di canh, di cư và đã định cư ổn định ở bản để tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng bà con nhân dân mở đường vào bản. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng bà con nhân dân mở đường vào bản. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Chị Ly Lô Pơ, bản Tân Biên, xã Pa Ủ chia sẻ: Khi bộ đội biên phòng và cán bộ xã vận động từ núi về bản, bà con ai cũng sợ vì quen ở trên nương, trên núi rồi. Về bản, cái gì cũng mới và bỡ ngỡ nhưng được ở nhà mới và được cán bộ Biên phòng dạy cách trồng lúa nước, nuôi bò và trồng thảo quả… nên cuộc sống của bà con đỡ khổ hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Tất Hậu - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lai Châu, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã tích cực triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới như: Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ); mô hình chăn nuôi bò, dê tập trung ở các xã Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Thu Lũm, Ka Lăng (huyện Mường Tè); mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của Hợp tác xã Đoàn kết tại bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ)… Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cùng tham gia thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ giai đoạn 2009 - 2015”.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân dựng nhà, lập bản để định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân dựng nhà, lập bản để định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Từ năm 2009 đến nay, đã có 69 chương trình, dự án đầu tư vào khu vực biên giới, với số vốn trên 287 tỷ đồng, trong đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đóng góp 185 triệu đồng. Các đơn vị đã phối hợp làm mới gần 51 km và sửa chữa gần 80 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 354 nhà, làm mới 82 nhà cho các hộ nghèo...

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng bà con nhân dân mở đường vào bản. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng bà con nhân dân mở đường vào bản. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

“Việc bộ đội Biên phòng triển khai các mô hình giúp dân đã hỗ trợ bà con trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống”, Đại tá Nguyễn Tất Hậu nhấn mạnh.(Còn nữa)
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm