Cần xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch

Cần xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch
Dự án cấp nước sạch ở xã Kim Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) đã ngừng sử dụng. Ảnh: Dantri.com.vn
Dự án cấp nước sạch ở xã Kim Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) đã ngừng sử dụng. Ảnh: Dantri.com.vn

Nhiều công trình “lỗi hẹn”

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở miền Bắc khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Ở nhiều địa phương tại tỉnh Ninh Bình, hàng nghìn người dân đang phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh từ ao hồ, sông suối để sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, nhiều nhà máy nước được đầu tư hàng tỷ đồng từ nhiều năm nay nhưng vẫn trong tình trạng dở dang. 

Kim Hải là xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, nguồn nước tại đây thường xuyên bị nhiễm mặn, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt và trồng trọt của người dân diễn ra phổ biến. Trước thực trạng này, Nhà máy nước sạch Kim Hải được xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã Kim Hải và các xã lân cận. Tuy nhiên, đến nay, công trình này đã ngừng thi công, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. 

Theo UBND xã Kim Hải, dự án Nhà máy nước sạch Kim Hải được khởi công xây dựng từ năm 2010 với tổng số vốn 14 tỷ đồng, trong đó, gần 13 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đối ứng của nhân dân gần 1,4 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 sẽ đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho trên 900 hộ dân trong xã và một số hộ dân ở các xã lân cận. Tuy nhiên, đến năm 2012, công trình này ngừng thi công cho đến nay. 

Người dân xã Kim Hải cho biết, hầu hết các hộ dân trong xã đều xây bể dự trữ nước mưa, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan. Người dân đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ. 

Đến xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh vào những ngày nắng nóng mới thấy rõ nỗi vất vả của người dân khi thiếu nguồn nước sạch. Toàn xã có 3.600 hộ với 13.700 nhân khẩu. Từ nhiều năm nay, người dân phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Năm 2012, nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã được đầu tư xây dựng Nhà máy nước tập trung Khánh Nhạc với số vốn dự kiến 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi đơn vị thi công được một số hạng mục như hệ thống xử lý nước, bể sơ lắng, hệ thống dẫn điện, khu bể lọc, nhà điều hành và tháp chứa nước thì dừng lại cho đến nay. Nhiều hạng mục đã hoàn thành nhưng bị bỏ hoang lâu ngày không được bảo quản, sửa chữa nên đã hoen gỉ, hỏng hóc. Nhiều người dân đã tận dụng diện tích của nhà máy nước để trồng ngô và gieo mạ. 
 
Nhiều công trình cấp nước sạch ở Ninh Bình bị bỏ hoang như thế này. Ảnh: Dantri.com.vn
Nhiều công trình cấp nước sạch ở Ninh Bình bị bỏ hoang như thế này. Ảnh: Dantri.com.vn

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc Hoàng Anh Tuấn cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm tiếp tục khai thác, vận hành nhà máy để cung cấp nước sạch cho người dân. Công trình này đã được Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình tiếp nhận sửa chữa, khai thác, tuy nhiên hiện nay việc sửa chữa chưa triển khai, người dân trong xã vẫn đang sống trong cảnh “khát” nước sạch. 

Xã hội hóa việc đầu tư các công trình nước sạch

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình, đến nay, tại 119 xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 96 công trình nước sạch, trong đó 87 công trình đang hoạt động, 9 công trình xây dựng dở dang. Các công trình dở dang gồm: Công trình nước sạch ở các xã Phú Long, Văn Phong, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh); xã Kim Hải (huyện Kim Sơn); các xã Gia Phong, Gia Phương, Gia Minh (huyện Gia Viễn) và xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). 

Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Bình Tống Xuân Toán cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại địa phương nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống của người dân nông thôn. Các công trình đều có số vốn dự kiến lên đến vài chục tỷ đồng và sẽ cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân tại địa phương. 

Tuy nhiên, đến năm 2015, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia không còn dẫn tới 9 công trình nói trên thi công dang dở. Trước thực trạng trên, Trung tâm đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để tiếp tục triển khai các công trình nước sạch. Đến nay, Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Hoàng Dân đã tiếp nhận 7 công trình dở dang để quản lý, khai thác, tuy nhiên tiến độ còn chậm, người dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng. 

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc đầu tư xây dựng những công trình nước sạch. Trung tâm đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Giám sát các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được xã hội hóa để thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện theo tiến độ, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của người dân. 

Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình Nguyễn Xuân Hạnh cho biết, để sửa chữa, vận hành 6 công trình dở dang nói trên vẫn còn nhiều khó khăn do kinh phí lớn, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ở một số địa phương chưa cao nên không đảm bảo lợi nhuận cho công ty. Chính vì vậy, công ty đã có kế hoạch đấu nối đường dây từ trạm cấp nước lân cận nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng của các hộ dân ở một số xã có công trình còn dở dang như: Văn Phong, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh); Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo trạm cấp nước xã Kim Hải (huyện Kim Sơn) dự kiến cấp nước cho 500 hộ dân. 

Ông Hạnh kiến nghị, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân dùng nước sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện hiệu quả chỉ tiêu 85% số hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia ở các xã nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách cụ thể về ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cấp nước vào khu vực nông thôn, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý Nhà nước về quản lý khai thác nguồn nước nhất là nước ngầm nhằm hạn chế việc khai thác tùy tiện, làm suy giảm và ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh Ninh Bình cần xem xét có cơ chế chính sách hỗ trợ bù giá nước sinh hoạt nông thôn cho công ty nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa tại địa phương. 
Hải Yến

Có thể bạn quan tâm