Cần Thơ tăng cường hợp tác với Cộng hoà Liên bang Đức

Cần Thơ tăng cường hợp tác với Cộng hoà Liên bang Đức

Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam tặng quà lưu niệm cho Phó Tổng Lãnh sự CHLB Đức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh :baocantho.com.vn
Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam tặng quà lưu niệm cho Phó Tổng Lãnh sự CHLB Đức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh :baocantho.com.vn

Về lĩnh vực phát triển giao thông đô thị, từ năm 2016, đoàn chuyên gia của Cơ quan hợp tác phát triển Cộng hòa Liên bang Đức đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về tình hình giao thông vận tải tại Cần Thơ, đồng thời thảo luận với cơ quan chức năng về quy trình, thủ tục và các lĩnh vực liên quan trong quy hoạch giao thông của thành phố.

Qua đó, chính thức đưa Cần Thơ vào danh sách các thành phố khu vực ASEAN thuộc dự án phát triển giao thông bền vững của Chính phủ Đức, với kế hoạch hỗ trợ đầu tư nâng cấp, phát triển bền vững hệ thống giao thông giao thông vận tải hành khách và hàng hóa cho vùng lõi và vùng ven đô thị của Cần Thơ.

Mục đích chính của dự án là giúp thành phố Cần Thơ tránh được những bất cập trong vấn đề giao thông mà nhiều thành phố phát triển của ASEAN cũng như của Việt Nam đã và đang mắc phải, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường vùng lõi và vùng ven đô thị.

Dự kiến, dự án hỗ trợ đầu tư giao thông đô thị phát triển bền vững thành phố Cần Thơ sẽ được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ cuối năm nay với tổng vốn đầu tư khoảng 3,8 triệu USD, bao gồm ba hợp phần chính: đầu tư, chuyển giao công nghệ cho cán bộ quản lý; hỗ trợ kỹ thuật và ­ hoạt động trao đổi đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, phát triển giao thông vận tải đô thị.

Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) sẽ tiến hành nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ, chi tiết về tiềm năng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau tại Cần Thơ như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối; từ đó, đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp nhằm khai thác tối đa và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Đồng thời, GIZ cũng sẽ hỗ trợ Cần Thơ tiến hành thực hiện thí điểm các dự án ứng dụng công nghệ mới về khai thác, sản xuất năng lượng tái tạo trong nông nghiệp công nghệ cao hoặc chế biến thủy sản tại các địa phương; qua đó, đánh giá hiệu quả và tính khả thi của dự án để tiếp tục nhân rộng đến tất cả các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, đưa Cần Thơ trở thành “đầu tàu” của vùng trong ứng dụng và phổ biến năng lượng sạch.

Ngoài ra, trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp hơn, GIZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Cần Thơ thực hiện các dự án không khí sạch, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý thoát nước và xử lý nước thải nhằm tăng khả năng chống chịu của thành phố trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo đó, dự án không khí sạch sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực nội thị thành phố Cần Thơ với 2 đô thị trung tâm là quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, cùng các khu chế xuất, công nghiệp lớn như Khu chế xuất Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2, chủ yếu tập trung thực hiện công tác quan trắc chất lượng không khí; kiểm kê tình trạng phát thải khí nhà kính; phân tích nguồn gốc gây tác hại, ô nhiễm môi trường không khí và tác nhân gây hiệu ứng nhà kính; xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về không khí sạch.

Về quản lý thoát nước và xử lý nước thải đạt hiệu quả, chống ngập úng cho các đô thị, GIZ sẽ phối hợp với các ban, ngành hữu quan của Cần Thơ tiến hành đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập úng đô thị; hiện trạng hệ thống thoát nước; quy mô các trạm bơm tiêu thoát nước; quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát nước chính nhằm xây dựng các mô hình thoát nước và xử lý nước phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, khu vực; ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại.

Đặc biệt, GIZ còn chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất lãnh đạo thành phố xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và nghiên cứu về lĩnh vực thoát nước nhằm đảm bảo được chi phí để vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước của thành phố vốn đang phải dựa vào nguồn ngân sách địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ vào hôm nay 21/11, bà Daniela Scheetz,  tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố Cần Thơ được các tổ chức, doanh nghiệp Đức đánh giá cao với nền kinh tế phát triển năng động và có vị trí đặc biệt trong khu vực, là thị trường đầy tiềm năng để đầu tư, phát triển các dự án về năng lượng, công nghệ và đô thị thông minh với lợi thế cạnh tranh rất lớn là nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao và cơ chế, chính sách đầu tư thuận lợi.

Bà Scheetz nhấn mạnh, thời gian tới, Lãnh sự quán Đức sẽ tích cực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác đa lĩnh vực với thành phố Cần Thơ nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai bên ngày càng gặt hái nhiều thành quả trên mọi phương diện./.
Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm