Cà Mau nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy sản

Cà Mau nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy sản
Ngư dân Sông Đốc, Cà Mau được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Ngư dân Sông Đốc, Cà Mau được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích người dân áp dụng nhiều hình thức, mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm công nghệ cao và các mô hình nuôi tôm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, nhất là đầu tư phương tiện hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cơ quan chức năng tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, sửa chữa nâng cấp tàu cá theo Nghị quyết 67/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện một chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản (Nghị định 67/NĐ-CP). Ngoài ra, ngư dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn được thụ hưởng các chính sách về phí bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa theo quy định của nhà nước. 

Tỉnh Cà  Mau hiện có 91 tàu được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới và 9 tàu đủ điều kiện nâng cấp. Đến nay, các ngân hàng thương mại ký hợp đồng vay vốn cho 32 tàu đủ điều kiện đóng mới và nâng cấp, với số tiền hơn 325 tỷ đồng. Trong đó, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là địa phương có nhiều phương tiện tàu được hỗ trợ đóng mới, sửa chữa nâng cấp đưa vào sử dụng, khai thác đạt hiệu quả. 

Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, huyện có 18 tàu công suất được hạ thủy thuộc diện hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Từ việc đầu tư đóng mới tài cá có công suất lớn, với trang thiết bị hiện đại, cùng đội tàu hơn 2.300 chiếc sẽ tạo lợi thế lớn cho phát triển kinh tế biển, nâng cao hiệu quả khai thác, tăng nhanh sản lượng thủy sản hàng năm. 

Cũng theo ông Minh, thời gian qua, giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh theo hướng tăng lên gây bất lợi cho ngư dân, chi phí đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản tăng cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, giải pháp trước mắt là chú trọng củng cố nâng chất hoạt động của đội tàu đánh bắt xa bờ, thành lập các hợp tác xã khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhân rộng một số mô hình khai thác tiết kiệm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ bảo quản để làm giảm thất thoát sản phẩm sau khai thác, để gia tăng lợi nhuận cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường… 

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 339.500 tấn, bằng 64% kế hoạch năm, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm đạt 109.330 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản đạt được 137.200 tấn, trong đó có 9.530 tấn tôm. Sản lượng khai thác thủy sản ở Cà Mau tăng cao với sản lượng khá ổn định, không chỉ đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành nghề chế biến thủy sản, mà còn góp phần nâng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt con số hơn 616 triệu USD. 
Kim Há
TTXVN

Có thể bạn quan tâm