Bạc Liêu: Chung sức chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer

Bạc Liêu: Chung sức chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer
Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2012 – 2018, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã đầu tư trên địa bàn tỉnh hơn 123 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, duy tu sửa chửa và đào tạo cán bộ. Năm 2018, tỉnh đã được phân bổ hơn 20 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn hơn 4,3 tỷ theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn này đã giúp cho nhiều hộ Khmer có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và cuộc sống ổn định và phát triển hơn. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer còn được ưu tiên chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, được vay vốn ưu đãi, kéo điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Một trong những kết quả thể hiện rõ nhất minh chứng cho sự phát triển trong đồng bào Khmer đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua những năm gần đây. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã huy động mọi nguồn lực xã hội xây dựng 70 căn nhà tình thương và trao tặng hàng ngàn phần quà cho hộ người dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Năm 2018, hơn 1 ngàn hộ nghèo Khmer đã được công nhận thoát nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh (thứ 3 từ trái qua) và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam tặng quà cho các vị lãnh đạo Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình- TTXVN
 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh (thứ 3 từ trái qua) và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam tặng quà cho các vị lãnh đạo Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình- TTXVN

Song song với  việc chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe, công tác giáo dục cho con em đồng bào Khmer trong tỉnh cũng được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào được quan tâm đúng mức. Hiện nay, cơ sở y tế của 10 xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ được đầu tư khá toàn diện. Người dân là đồng bào Khmer các ấp thuộc Chương trình 135 được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí để khám và điều trị bệnh. Cùng với đó, công tác kiên cố hóa trường lớp, dạy song ngữ tại các trường có đông con em đồng bào Khmer sinh sống được duy trì thực hiện. Tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời công tác cử tuyển và hỗ trợ học phí, bố trí việc làm cho con em đồng bào sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Công tác chăm lo đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong tỉnh được thể hiện thường xuyên và sát với tình hình thực tế.

Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, tỉnh luôn tổ chức các đoàn đến thăm và chúc mừng Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước, Ban Trị sự các chùa. Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa Khmer trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên cho đồng bào Khmer có dịp vui chơi, sinh hoạt trong các dịp lễ, tết.

Theo Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên, kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban Trị sự các chùa trong tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử, người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tinh thần siêng năng lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được địa phương đặc biệt chú trọng.

Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Hòa thượng Hữu Hinh cho biết, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình và xây dựng đời sống văn hóa, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer được gìn giữ và phát huy. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào phật tử và người dân Khmer được nâng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, Hội chú trọng tuyên truyền, vận động các sư sãi, đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tiếng nói, chữ viết; cải tiến các lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ, tôn giáo…

Những kết quả Bạc Liêu đạt được trong công tác dân tộc đã chứng minh “nơi nào cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể vào cuộc quyết liệt, nơi đó có những chuyển biến tích cực”, trong thành tựu chung đó có vai trò những người có uy tín trong đồng bào và Tổ trưởng tổ tự quản dòng tộc. Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, những người có uy tín và Tổ trưởng các Tổ tự quản dòng tộc trong đồng bào Khmer không chỉ là những hạt nhân trong phát động thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất mà họ còn là những cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, sát cánh cùng đồng bào dân tộc trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp, cũng như phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc Khmer trong tỉnh.

Ông Thạch Quết - Tổ Trưởng Tổ tự quản dòng tộc học Thạch, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho biết, Tổ tự quản luôn tuyên truyền cho các hộ gia đình về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dòng họ nói riêng và các hộ gia đình khác trên địa bàn xã nói chung. Đặc biệt là ý thức nỗ lực cố gắng làm ăn, vươn lên sản xuất để kinh tế gia đình khá giả.

Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên khẳng định trong năm 2019, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cơ sở tổ chức triển khai các chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và lồng ghép trong thực hiện các chương trình, dự án của tỉnh có hiệu quả. Tỉnh ưu tiên chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã đặc biệt khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Ban Dân tộc tỉnh tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc đầy đủ và kịp thời nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp ưu tiên đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và chính tinh thần hăng say lao động sản xuất của các gia đình đã đem lại cuộc sống mới phát triển hơn. Đây sẽ là niềm tin, động lực để mọi người, mọi nhà tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cùng chung tay xây dựng, phát triển gia đình, phum, sóc ngày thêm giàu đẹp hơn.
                                                                                                                                                                                                     Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm