Piêu được dệt từ sợi bông, thường có độ dài từ 1,5 - 1,6 m, với khổ rộng từ 30 - 40 cm. Với phụ nữ Thái, nó không chỉ có tác dụng che đầu khi nắng gió, giữ ấm khi giá lạnh. Người ta có thể quấn khăn qua người một cách khéo léo, làm thành cái váy. Có con nhỏ, phụ nữ Thái cũng có thể vắt ngang khăn, làm thành cái địu. Chưa hết, piêu còn là vật trang sức quan trọng, tôn thêm sự duyên dáng của phụ nữ Thái. Với sự kết hợp hài hòa của các đường nét, màu sắc, hoa văn, piêu trở thành một trong những biểu trưng độc đáo của văn hóa Thái.
![]() |
Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Ảnh:dantri.com |
Bà Cà Thị Ban, ở bản Mé, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, bảo chỉ trừ một bộ phận phụ nữ ngành Thái trắng đội nón tát, khăn vuông, còn phụ nữ ngành Thái đen ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đa số đều đội piêu. Piêu có nhiều loại, như loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ ở 2 đầu khăn, loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm… Tùy từng vùng, từng địa phương mà piêu có những sắc thái riêng của nó.
Theo bà Lò Thị Mai Kiêm, ở tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, sự khác biệt đó do đồ án hoa văn thêu trên 2 đầu khăn quy định, hoặc có khi do cả mô-tip hoa văn trang trí trên khăn:
- Piêu thì cũng theo từng vùng miền. Ví dụ, vùng Thuận Châu thì người ta chỉ thêu dọc xuống ở 4 góc, rồi thêu 1 vài cành hoa kiểu hoa văn của người Thái trên 4 góc. Ở một số vùng thì người ta thêu gần như 1 cái thảm nhỏ trong góc của piêu. Rồi thì những hạt họ quấn xung quanh thì họ bện chỉ vải, cắt vải đỏ ra khâu xong họ mới quấn lại. Sau đó, họ lại thêu ở ngoài những cái hạt nhỏ, họ gấp, gọi là “cút piêu”.
Chiếc piêu muốn đẹp phải do nhiều yếu tố tạo nên. Trong đó, chỉ màu thêu khăn đóng vai trò quan trọng. Nếu tấm vải làm khăn là loại vải dệt từ sợi bông thì chỉ để thêu xéo khăn thường là sợi tơ tằm. Dùng sợi tơ tằm làm chỉ thêu thì sắc màu sẽ óng nuột và mượt mà, tăng thêm vẻ đẹp nhuần nhị của các họa tiết thêu trên khăn.
Bà Cà Thị Ban cho biết:
- Trước đây chúng tôi thêu piêu chủ yếu là dùng sợi tơ tằm. Sợi tơ tằm này cũng là do mình nuôi tằm rồi se lấy. Lớp trẻ bây giờ thêu thì chủ yếu bằng chỉ len thôi. Khi cần chỉ việc mua sợi len ở chợ về là thêu, rất tiện. Nhưng thêu chỉ len không thể đẹp và bền màu như chỉ tơ tằm. Piêu đươc thêu bằng sợi tơ tằm bao giờ cũng đẹp hơn.
![]() |
Chiếc piêu của đồng bào Thái. Ảnh:dantri.com |
Cũng theo bà Ban, Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên. Người Thái quan niệm con gái lớn lên ai cũng phải biết thêu thùa, dệt vải. Vì vậy, từ khi 7 – 8 tuổi, con gái Thái đã phải học cách dệt vải và thêu các loại hoa văn. Đến khi đi lấy chồng, số chăn đệm, vải vóc và piêu làm được sẽ là thước đo đánh giá người con gái ấy chăm chỉ hay lười nhác, khéo léo hay vụng dại…
Riêng với piêu, để có một chiếc hoàn chỉnh, thường phải mất 3-4 tuần thêu liên tục. Nhưng người phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi, cho nên xong một chiếc piêu thường mất cả tháng trời. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên 2 đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập khuôn máy móc mà có thể sáng tạo theo ý mình. Do vậy, học thêu piêu, đối với các cô gái Thái, là cả một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời.
Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, piêu còn mang nhiều ý nghĩa trong đời sống xã hội của người Thái. Piêu chính là vật hẹn ước của các chàng trai, cô gái Thái, là quà biếu khi cô gái về nhà chồng, cũng có thể là vật dâng cúng trong ngày lễ, để phủ mặt cho một người khi tạ thế. Bà Lò Thị Mai Kiêm bảo rằng thế hệ phụ nữ Thái ngày trước, từ khi bắt đầu biết thêu, dệt là đã phải làm piêu, có như thế thì khi lấy chồng mới đủ khăn để làm quà biếu gia đình nhà chồng:
- Phụ nữ Thái lớn lên phải chuẩn bị dần piêu thì mới đủ. Trước kia, người Thái mà lấy chồng thì anh em nhà chồng có bao nhiêu bậc trên thì người ta tặng khăn piêu. Con gái thì tặng khăn piêu, con trai thì tặng cái gối, hoặc vải quần, tùy từng vùng quê. Thường thường gia đình có anh em đông thì người ta phải chuẩn bị 3, 4 chục cái khăn để tặng. Sau đó, người ta tặng cả anh em họ hàng thuộc bậc trên. Mà khăn này, tôi thấy ở vùng dân tộc là một món quà tặng cũng rất tốt. Người con gái chia tay người yêu thì có thể quàng lên cổ mình chiếc khăn để mà nhớ đến người yêu của mình. Đó là ý nghĩa của chiếc khăn.
Piêu không chỉ là nét đẹp trong trang phục truyền thống, mà còn thể hiện tinh hoa văn hóa, chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn sâu sắc của người Thái.