Chiếc khung dệt-Nét độc đáo của đồng bào Tây Nguyên

Chiếc khung dệt-Nét độc đáo của đồng bào Tây Nguyên
Ảnh: Ngô Tuyến
Ảnh: Ngô Tuyến

Người phụ nữ Jrai và Bahnar không dệt trên khung cửi cố định. Công cụ dệt của họ chỉ là những bộ phận rời đơn giản mà đa số tham gia vào việc giăng sợi thành một thảm dọc trước mặt người dệt, để người này ngồi một chỗ mà đan chỉ ngang qua thảm dọc kia. Một khi sợi đã được đan thành thảm dọc, với sự tham gia của các bộ phận rời ở trên thì tổng thể ấy được thấy như một khung dệt rõ nét nhất. Khi dệt bắt buộc họ phải ngồi trên nền đất hoặc nền nhà, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt, tất cả các đầu khung dệt được cột vào chỗ chắc chắn như cột nhà, hoặc gốc cây, khi dệt người phụ nữ dùng chân và lưng của mình để căng dàn sợi. Và khi người phụ nữ đã hoàn thành sản phẩm của mình và tháo nó ra, thì khung dệt cũng không còn nữa và các thanh công cụ nhỏ đã tham gia vào việc giăng sợi cũng trở về vị trí những bộ phận rời rạc. Đây chính là điểm khác biệt nhất mà chúng ta dễ thấy giữa khung dệt của đồng bào Jrai và Bahnar với các loại khung cửi đã phát triển cao hơn của nhiều dân tộc khác ở nước ta như: Việt, Mường, Thái, Chăm… Chính sự linh động, di động này mà người phụ nữ Jrai nói riêng, người phụ nữ Tây Nguyên nói chung không bị bó hẹp địa điểm dệt vải của mình. Có khi họ dệt trên nhà sàn hoặc ngay dưới chân nhà sàn, có lúc họ dệt ngay giữa sân (với khung dệt nhỏ), cũng có khi tác phẩm dệt được làm ngay trên rẫy nơi có bóng cây mát mẻ buổi trưa. Chính vì vậy mà mỗi sản phẩm làm ra lại mang đậm vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu văn hóa, đồng thời nói lên sự cần cù khéo léo của bàn tay những người phụ nữ Jrai, Bahnar trong mọi hoàn cảnh.

Một điểm nữa cũng rất hay và khác biệt là cách giăng sợi và các bố cục hoa văn. Đồng bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai nói riêng giăng sợi trên khung thành một vòng từ đó tạo ra hai vòng trên, dưới với chiều dài khoảng chừng 3 mét và vì vậy chiều dài của tấm vải chỉ trong giới hạn 6 mét. Nếu như các khung dệt khác chỉ dệt ở mặt trên của khung, thì với cách giăng sợi của đồng bào nơi đây họ lại dệt xoay dần mặt trên và mặt dưới. Đây thật sự là một cách dệt rất độc đáo từ khung dệt di động của đồng bào Tây Nguyên.
 
Lớp trẻ trong làng được truyền lại niềm tự hào, sự yêu thích với nghề dệt thổ cầm.
Lớp trẻ trong làng được truyền lại niềm tự hào, sự yêu thích với nghề dệt thổ cầm.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau rất dễ dàng và con người cũng tiếp cận cái mới rất nhanh, đồng  bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào Bahnar, Jrai cũng vậy. Những trang phục được may sẵn rất nhiều, lại đẹp phù hợp với thị hiếu đông đảo của đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc mặc đồ truyền thống chỉ còn trong những dịp lễ, Tết và khung dệt chỉ còn xuất hiện trong những làng sản xuất đồ thủ công, hay chỉ còn là hiện vật trưng bày của bảo tàng mà thôi. Nét độc đáo và riêng biệt ấy trong làng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày mai một.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm