Chiếc “Cha lon” của người Cơ Tu

Chiếc “Cha lon” của người Cơ Tu
Nét duyên trong trang phục người Cơ Tu

Được về các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang… (Quảng Nam) trong các dịp bà con dân tộc Cơ Tu tổ chức đám cưới (têng bhiệc đam), ăn mừng lúa mới (Cha haroo tamee), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn thề kết nghĩa anh em (Pr’ngoóch - gương yên)… mới thấy hết những cái vẻ đẹp độc đáo của trang phục người Cơ Tu.

Già làng Y Công, 86 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang,(Quảng Nam) đang mặc khố biểu diễn nhạc cụ.
Già làng Y Công, 86 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang,(Quảng Nam) đang mặc khố biểu diễn nhạc cụ.

Lúc này thanh niên mặc áo cộc tay (adoót), là áo có trang trí những dãy hoa văn đối xứng, với những vạch, sọc có khoảng cách đều nhau được dệt bởi 3 màu vàng, đỏ, trắng nổi bậc trên nền vải chàm đen. Các bậc cao tuổi thì mặc những tấm choàng (Aduông), phụ nữ thì mặc váy dài (Ưđool) mà trên nền vải có nhiều hoa văn, hoạ tiết bố trí thành từng hàng ngang, tập trung thành mặt phẳng lớn phía dưới thân váy.

Già làng Y Công (86 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, trên thân vải của một số y phục của người Cơ Tu còn trang trí những hoa văn hoạ tiết bằng hạt cườm hoặc hạt chì nhỏ, trông rất là “quý phái”. Mỗi loại y phục có những màu sắc, hoa văn hoạ tiết phong phú, thông thường có những đường thẳng, đường gấp khúc hình chữ chi, hình hoa rừng, chong chóng… Tuy nhiên trang phục của họ có sự đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc song vẫn phản ánh được nhân sinh quan của người Cơ Tu về vũ trụ, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của dân tộc mình. Trang phục của đồng bào với màu chủ đạo là chàm đen, tượng trưng cho màu của đất (Abhuyh - Catiếc), đồng bào Cơ Tu dùng màu này làm nền, màu có vị thế thứ hai là màu đỏ tượng trưng cho màu của mặt trời (Abhuyh - Plêếng). Màu vàng dùng rất ít nhằm để tạo ra những hoa văn hoạ tiết trên thân trang phục.

Muốn có những loại trang phục này, đồng bào Cơ Tu phải trồng bông, đay để lấy sợi dệt trên những khung cửi thủ công nhỏ gọn. Khâu nhuộm màu các loại sợi trước khi dệt, đòi hỏi một sự công phu, tỉ mỉ. Màu đỏ được lấy từ của nâu, màu chàm lấy từ cây tà râm, màu vàng lấy từ củ ma rớt… Được nhìn ngắm các “Sơn nữ” Cơ Tu với những trang phục đẹp mắt nhịp nhàng theo vũ điệu “Tung tung - da dá”, mới thấy hết cái đẹp độc đáo của trang phục người Cơ Tu.

Cha lon - vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên

Già làng Cơlâu Nâm (86 tuổi, trú tại thôn Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, trang phục truyền thống của đàn ông Cơ Tu gồm chiếc khố cùng với tấm choàng hình chữ X, được dệt hoàn toàn bằng thủ công. Khố chữ T là một tấm vải rộng từ gang rưỡi đến 2 gang tay (30 đến 40cm), có chiều dài từ 2 đến 6 sải tay (khoảng 2m đến 8m). Khi mặc, đàn ông Cơ Tu quấn quanh thắt lưng rồi quàng qua háng, vạt trước dài gần đến chân, vạt sau dài dưới đầu gối. Người đàn ông Cơ Tu lớn lên “đồng hành” cùng với nỏ, gùi, chiếc khố... Trước đây, khố được làm bằng vỏ cây hoặc sợi dây rừng đan lại. Ngày nay vẫn còn loại khố này, nhưng chỉ còn thấy “minh họa” ở trong các lễ hội truyền thống của người Cơ Tu.

Chiếc khố (Cha lon) mang vẻ đẹp hoang dã, gần gũi với thiên nhiên, không chỉ được những người đàn ông Cơ Tu mặc trong sinh hoạt ngày thường mà còn được mặc trong các lễ hội. Chiếc khố cũng được điêu khắc ở nhà Gươl nhằm lưu giữ, trân trọng như một di sản mang dấu ấn cổ xưa. Để có vải may trang phục, Trường Sơn trồng bông, đay lấy sợi rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... các khâu nhuộm cũng không kém phần quan trọng. Để có được màu đỏ, họ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt cho đến việc dàn cườm để tạo thành những hoa văn trên nền vải như: hoa văn hình hoa Ablơm (hoa tình yêu), lá Atút (hình chiếc chong chóng), hình đàn ông Cơ Tu múa Tung tung (múa nam), hình thiếu nữ Cơ Tu múa Dadá (múa nữ), lá trầu (A bá), dây buộc nhà Gươl (Hơma cating), hoa rừng (Hơma tơ bang)... Sau đó được dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nhưng những đường nét và các hoạ tiết hoa văn hết sức tinh tế tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ Cơ Tu rất cao.
 
Trang phục cô dâu, chú rể Cơ Tu trong ngày cưới.
Trang phục cô dâu, chú rể Cơ Tu trong ngày cưới.

Chiếc khố của đàn ông Cơ Tu được “chế tác” rất công phu nên được coi là một “gia tài”. Chúng gồm nhiều loại: loại không có hoa văn, loại được trang trí hoa văn bằng cườm và loại trang trí hoa văn bằng chì. Những dãy hoa văn được trang trí trên nền vải chàm đen thường là hình đàn ông Cơ Tu múa tung tung (múa nam), hình dây buộc Gươl, hình trang sức, hình hàng rào, hình xương cá. Chiếc khố của đàn ông Cơ Tu có chiều rộng khoảng 45cm, chiều dài từ 3m đến 8m, với vạt trước dài, vạt sau ngắn cũng được bố trí các hoạ tiết đường nét hoa văn thành từng mảng lớn.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm