Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0

Chiều 9/11, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo "kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0".

Để thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chủ động tìm và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Chương trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam 2025" nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và các nước về chính sách, chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp.

Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; 12 triệu lượt học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Đề án cũng đưa ra chỉ tiêu tổ chức ít nhất 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho 7.500 lượt cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy khởi nghiệp. Song song với đó là 150 lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho 15 nghìn lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% các trường cao đẳng, 50% các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, lắng nghe các ý kiến chia sẻ về một số mô hình hỗ trợ sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức; sự kết hợp giữa chương trình Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) với các chương trình Giáo dục nghề nghiệp của SIYB ILO Geneva; ví dụ điển hình từ Singapore trong việc xây dựng một vườn ươm quốc gia (thành lập vào tháng 9/2017) nhằm tạo ra thể chế hoạt động chung cho các tổ chức nhằm hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp; chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp của Thụy Sỹ (SwissEP) tại Việt Nam. Cũng tại hội thảo, các đại biểu nghe chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và các học sinh, sinh viên trong việc khởi nghiệp... Theo nhiều doanh nghiệp và đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp; đưa môn học "startup" - khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ chi phí cho các học sinh sớm làm quen.

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm