Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải
Ngày 15/6, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng 7 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Quảng Ngãi, An Giang, Khánh Hòa, Bình Định và Sóc Trăng.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Sở Xây dựng 7 tỉnh, thành phố đã nêu ý kiến: Hiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, công nghiệp, bệnh viện của các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, các quy hoạch, dự án thoát nước và xử lý nước thải tại các tỉnh, thành phố chưa có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ kỹ thuật với các khía cạnh tài chính, đặc biệt là tài chính cho quản lý vận hành sau đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nhiều đô thị chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải… Đặc biệt, trong phát triển đô thị, nhiều tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những khó khăn trong việc giải quyết bài toán thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập úng cho đô thị do chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đô thị ngập úng, hạn hán, lũ lụt…

Một số đại biểu đến từ các tỉnh An Giang, Bình Định, Sóc Trăng và Quảng Ngãi cho biết: Các địa phương này đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý thoát nước như quy hoạch hệ thống thoát nước các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề chưa đạt chất lượng cao; mạng lưới đường cống thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, còn mang tính chắp vá; việc vận hành, duy tu và bảo dưỡng hệ thống thoát nước chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, hiện các địa phương còn thiếu thông tin về công nghệ xử lý nước thải hiện đại; việc xây dựng hệ thống thoát nước cho các đô thị, cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu; việc thu phí thoát nước và phí bảo vệ môi trường như hiện nay không đảm bảo được chi phí để vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, phải có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương…

Để việc quản lý thoát nước và xử lý nước thải đạt hiệu quả, chống ngập úng cho các đô thị, ông Trịnh Nam Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng An Giang cho rằng, các địa phương cần đánh giá, dự báo phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển và bố trí dân cư, công nghiệp dịch vụ, cơ sở hạ tầng; đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập úng đô thị như: Tần suất, diện tích các khu vực, hiện trạng hệ thống thoát nước, quy mô các trạm bơm tiêu thoát nước, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát nước chính. Đặc biệt, các địa phương cần xác định chương trình và dự án thoát nước, xử lý nước thải đầu tư ưu tiên cho từng giai đoạn...

Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Cần Thơ đề xuất, các địa phương cần xây dựng định hướng phát triển thoát nước phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội mỗi địa phương; cân đối nguồn lực của địa phương để đề xuất các mô hình thoát nước, hình thức đầu tư phù hợp nhằm thực hiện các kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân kiến thức về bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan đến môi trường, thoát nước; xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và nghiên cứu về lĩnh vực thoát nước...

Tại hội thảo, đại diện các địa phương cho biết, dưới sự hỗ trợ của GIZ: Các tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Trà Vinh, Quảng Ngãi, An Giang, Khánh Hòa, Bình Định và Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trên 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại 2 trở lên và trên 20% tổng lượng nước thải đối với các đô thị loại 5 trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 80% diện tích bao phủ dịch vụ; trên 80% lượng nước thải tại các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc thải ra môi trường; trên 30% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng tưới cây, rửa đường đô thị và phục vụ các nhu cầu khác…

Riêng đối với việc thoát mưa và chống ngập úng đô thị, các địa phương trên phấn đấu đến năm 2030, mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 80%; trên 20% các đô thị có giải pháp thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sinh hoạt; 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa...
Thanh Sang 
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm