Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thảm họa tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thảm họa tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc
Giáo viên Trường Tiểu học Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đến nhà vận động học sinh đến lớp sau đợt mưa lũ đầu tháng 8/2017. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Giáo viên Trường Tiểu học Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đến nhà vận động học sinh đến lớp sau đợt mưa lũ đầu tháng 8/2017. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Dự án được triển khai từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2017 tại 12 xã, phường dân tộc thiểu số của hai tỉnh Lai Châu và Sơn La với tổng kinh phí 39 tỷ đồng. Sau 42 tháng triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực: thực hiện được 12 cuộc đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng (VCA) và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA) với sự tham gia của hơn 2.200 cán bộ, người dân của hai tỉnh; thành lập được 2 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 12 đội cộng đồng ứng phó với thảm họa (CADRE) với 320 thành viên. Dự án đã trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa và nâng cao bình đẳng giới cho 55.000 người dân và hơn 2.000 học sinh tiểu học; tổ chức 36 cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa cho hơn 2.200 người dân và hơn 2.800 học sinh, thầy cô giáo tiểu học; tập huấn về kiến thức phòng ngừa thiên tai, thảm họa và trường học an toàn cho 48 giáo viên và tập huấn sơ cấp cứu cho 288 giáo viên. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ thực hiện 44 đề xuất tiểu dự án giúp giảm nhẹ mức độ dễ bị tổn thương của cộng đồng tại các xã và trường học với số người hưởng lợi trên 3.500 người dân và 5.000 học sinh. Đặc biệt, trong suốt quá trình triển khai dự án, khung can thiệp lồng ghép giới được xây dựng và triển khai trong tất cả các hoạt động. 

Trưởng đại diện Hội Chữ thập đỏ Pháp tại Việt Nam Eric Legendre cho rằng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là nhân tố quan trọng giúp duy trì tính bền vững của dự án. Thành công của dự án là đã xây dựng được kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và phục hồi cho cộng đồng tại những địa phương có năng lực hạn chế về ứng phó rủi ro thảm hoạ để nâng cao năng lực của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai, thảm hoạ. 

Chia sẻ về dự án, bà Nguyễn Thị Nhật Hoài, cán bộ Quản lý Chương trình, Hội Chữ thập đỏ Pháp cho biết, do địa bàn thực hiện dự án là những địa phương có tình trạng bất bình đẳng giới cao nên trong quá trình triển khai dự án, Ban tổ chức tập trung lồng ghép giới trong tất cả các tiểu dự án nhằm thực hiện quyền bình đẳng giới cho phụ nữ. Khung can thiệp lồng ghép giới được xây dựng và triển khai xuyên suốt với ba nội dung chính: nâng cao năng lực nhận thức của phụ nữ; quan tâm đến sự tham gia của phụ nữ; quan tâm đến sự lãnh đạo của phụ nữ. 

Ngoài ra, dự án đã xây dựng được bộ công cụ truyền thông về giảm thiểu rủi ro thảm hoạ bằng các biểu tượng và tranh vẽ minh họa, giúp những người dân không biết chữ vẫn có thể hiểu được cách phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai, thảm họa. Bộ công cụ có thiết kế khuyến khích sự tham gia của người dân thông qua các hoạt động nhóm và trò chơi, giúp những buổi truyền thông hiệu quả hơn; người dân tiếp nhận những kiến thức một cách thú vị, dễ hiểu và ghi nhớ lâu hơn. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng, sau khi dự án kết thúc, những hiệu quả đã đạt được tiếp tục được duy trì và nhân rộng thông qua vận động chính quyền của địa phương tiếp tục sử dụng sản phẩm của dự án; tiếp tục đưa các hoạt động của dự án lồng ghép với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... 
Minh Huệ

Có thể bạn quan tâm