Chị Thị Lang tận tụy với công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số

Chị Thị Lang trong công tác vận động người dân đồng bào thiểu số kế hoạch hóa gia đình, gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN phát
Chị Thị Lang trong công tác vận động người dân đồng bào thiểu số kế hoạch hóa gia đình, gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN phát

Nhắc đến chị Thị Lang (42 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phu Mang 1 (xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước), người dân nơi đây đều biết sự tận tụy, tận tâm trong công tác Hội của người phụ nữ này.

Chị Thị Lang tận tụy với công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Chị Thị Lang trong công tác vận động người dân đồng bào thiểu số kế hoạch hóa gia đình, gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN phát

Hơn 10 năm qua, chị Thị Lang được các cấp Hội đánh giá là một trong những người phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong công tác; được nhiều người quý mến, nhất là chị em người dân tộc S’tiêng. Tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ địa phương, chị đã góp phần làm thay đổi những thói quen, tập tục lạc hậu… trong vùng đồng bào thiểu số.

Lập gia đình từ rất sớm, sinh 4 người con nên chị Thị Lang hiểu rõ hậu quả của việc này. Chị Thị Lang cho biết: Trước đây, chị và nhiều phụ nữ trong làng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng từ thế hệ đi trước. Nhiều phụ nữ lấy chồng sớm và đẻ nhiều. Vì vậy, cuộc sống gia đình thường gặp khó khăn, không có của để dành.

Theo chị Thị Lang, từ khi tham gia Hội Phụ nữ, chị đã hiểu và thường xuyên vận động, tuyên truyền chị em trong thôn về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con tốt hơn. Ngoài ra, chị còn vận động chị em tích cực phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. Nhờ đó, nhiều phụ nữ đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ vay ưu đãi, tham gia xây dựng nguồn vốn xoay vòng… để giúp nhau lúc khó khăn.

Sinh 4 người con do chưa hiểu về kế hoạch hóa gia đình, chị Thị Đày ở trong thôn cho biết: Sinh nhiều con, chị không có thời gian đi làm, chỉ dựa vào thu nhập của chồng nên kinh tế rất khó khăn. Nhờ chị Thị Lang tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình để đi làm tăng thu nhập và nuôi dạy các con tốt hơn.

Chị Thị Lang tận tụy với công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số ảnh 2Chị Thị Lang trong công tác vận động người dân đồng bào thiểu số kế hoạch hóa gia đình, gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN phát

Là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cộng tác viên dân số, chị luôn nhiệt tình vận động hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhờ chị Lang giới thiệu, chị Thị Phước ở trong thôn đã được hỗ trợ và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua 2 con trâu. Từ đó, gia đình chị Phước có thêm phân bón hữu cơ cho cây trồng, tự tin phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Từ một Chi hội gần như không sinh hoạt, vừa qua, chị Lang đã vận động được 35 phụ nữ sinh hoạt Chi hội thường xuyên; đồng thời, vận động xây dựng Quỹ hội được 30 triệu đồng để giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chị còn vận động các hội viên thực hiện tốt các chính sách dân tộc tại địa phương; giữ gìn phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, làm đèn đường chiếu sáng... góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hà Đỗ Thị Ngọc Hà cho biết: Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chị Lang luôn hoàn thành nhiệm vụ; là người nhiệt tình, có trách nhiệm, uy tín trong cộng đồng; tích cực tham gia vận động chị em sinh đẻ kế hoạch, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế.

Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chị Thị Lang còn được sự ủng hộ, đồng tình từ gia đình và người thân. Theo chị Thị Lang, tham gia các hoạt động xã hội là cách lan tỏa, là trách nhiệm của công dân với cộng đồng. Qua đó, giúp phụ nữ trong thôn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

K GửiH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm