Chị Rơ Châm H'Ken miệt mài dẫn vốn về với đồng bào dân tộc thiểu số ở Iaka

Chị H’Ken (giữa) trong một chương trình tình nguyện tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh). Ảnh: baogialai.com.vn
Chị H’Ken (giữa) trong một chương trình tình nguyện tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh). Ảnh: baogialai.com.vn

Trong những ngày cuối năm tất bật, ai nấy đều bận rộn chuẩn bị cho cái Tết của gia đình mình, thì đâu đó tại xã Iaka, Huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, người ta vẫn thấy bóng dáng của một người phụ nữ mảnh dẻ, bé nhỏ, ngày ngày miệt mài đến từng làng, vào từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tránh xa "tín dụng đen". Đó là chị Rơ Châm H'Ken - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Iaka.

Chị Rơ Châm H'Ken miệt mài dẫn vốn về với đồng bào dân tộc thiểu số ở Iaka ảnh 1 Nguồn vốn chính sách hỗ trợ đã đẩy lùi tín dụng đen trong vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp

Động lực thôi thúc người phụ nữ bé nhỏ ấy đi làm cái việc vốn được coi là "vác tù và hàng tổng" chẳng phải đâu xa, mà xuất phát từ chính câu chuyện của gia đình chị. Nhớ lại cách đây 2 năm, chị Ken kể: "Do cần tiền đáo hạn ngân hàng, tôi đã vay nợ 350 triệu đồng. Vì nghĩ chỉ ít ngày đến vụ thu hoạch sẽ có tiền trả nên dù lãi nặng đến 3.000 đồng/triệu/ngày tôi vẫn chấp nhận".

Nhưng thực tế lại không như mong muốn, không thể thu xếp trả nợ đúng hạn, số tiền vay lãi cao cứ nhân lên mỗi ngày. Chủ nợ liên tục gọi điện thoại hối thúc, thậm chí còn đến tận nhà đe dọa gia đình, tung ảnh cùng những lời lẽ bôi nhọ lên mạng.

"Chỉ những ai đã từng vướng vào vòng xoáy của tín dụng đen mới có thể hiểu được những hệ lụy của nó khủng khiếp đến thế nào. Nó không chỉ khiến người ta kiệt quệ vốn liếng làm ăn, tài sản trong gia đình mà còn kiệt quệ cả về tinh thần", chị Ken chia sẻ.

Theo chân chị Ken, chúng tôi đến thăm nhà chị Rơ Châm H'Kunh tại Làng Mrong Yố 1, Xã Iaka. Đôi tay đang thoăn thoắt thu hoạch những hạt cà phê chín mọng, chị Kunh cất lời chào từ xa không quên gửi kèm một nụ cười rạng rỡ "được mùa".

Nhìn thoáng qua người phụ nữ khỏe mạnh, chất phác này, cùng với ngôi nhà đơn sơ chị đang ở, chắc chẳng ai nghĩ rằng chị đã nhiều lần phải tìm đến những người cho vay nặng lãi.

"Tôi vay lần đầu 30 triệu với lãi 3.000 đồng/triệu/ngày, sau đó vay thêm hơn 400 triệu nữa. Vậy mà đến lúc trả, cả gốc cả lãi tính ra gần cả tỷ đồng. Tôi sợ quá. Ngày nào họ cũng đến đòi nợ, nói có, hành động có, còn dọa giết nữa. Rất đáng sợ", chị Kunh nghĩ lại.

Vay thì phải trả, số tiền quá lớn, chỉ còn cách bán đất đi để trả nợ. Nhưng không đơn giản như vậy. Chị Kunh bị chủ nợ ép giá, thậm chí khi có người muốn mua đất, chủ nợ cũng kiếm chuyện để người mua ép giá đất xuống thậm tệ. Tiền không có, bao nhiêu đất bán cũng không đủ trả, ruộng vườn chẳng còn bao nhiêu để canh tác, nhà cửa cũng chẳng còn gì giá trị.

"Đó là những ngày tháng kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi", giọng chị Kunh nghẹn lại.

Tội phạm hoạt động "tín dụng đen" vùng nào cũng có, nhưng riêng tại Gia Lai, tình trạng này càng trở nên phức tạp hơn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chia sẻ từ Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai được biết, nhu cầu vay vốn, mua nợ hàng hóa, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nhân dân rất lớn. Nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn từ các hệ thống ngân hàng, tín dụng còn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn, gia hạn, đáo hạn, những yêu cầu về thế chấp, thời gian giải ngân....

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen cho vay nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản đã thu hút một bộ phận không nhỏ người dân tham gia, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số không có tài sản thế chấp, tư liệu sản suất, nên phải vay mượn, mua nợ hàng hóa lãi suất cao.

"Cái khó nhất hiện nay của chúng tôi là nạn nhân chỉ tố giác tội phạm khi không còn khả năng trả nợ. Một số nạn nhân không dám khai báo, hợp tác với lực lượng chức năng do sợ liên lụy, rắc rối cho bản thân, sợ bị trả thù...", Đại tá Dương Văn Long nhấn mạnh.

Tuy "cuộc chiến" vẫn còn dài, nhưng nhờ sự vào cuộc và chung tay của các cơ quan chức năng, cuộc sống của người dân xã Iaka đã dần cải thiện.

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập câu lạc bộ Phụ nữ nói không với tín dụng đen, Tổ đổi công, Quỹ xoay vòng... vừa giúp tuyên truyền cho hội viên nhận biết các thủ đoạn cho vay nặng lãi để tránh xa "bẫy" tín dụng đen vừa hỗ trợ nguồn vốn cho các hội viên có nhu cầu cấp thiết.

Tính đến nay, hội phụ nữ xã đã có 92 triệu đồng cho 6 chị vay không tính lãi trong thời gian từ 1-2 năm. "Quỹ cho vay các hội viên khó khăn, đến khi họ có thể trả nợ thì số tiền đó lại tiếp tục xoay vòng cho vay sang hội viên khác. Quy mô tuy còn nhỏ nhưng phần nào giúp người dân tránh được việc phải đi vay nặng lãi, gây nên nhiều hệ lụy cho cá nhân và bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương", chị Ken cho hay.

Chị Rơ Châm H'Ken miệt mài dẫn vốn về với đồng bào dân tộc thiểu số ở Iaka ảnh 2Chị H’Ken (giữa) trong một chương trình tình nguyện tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh). Ảnh: baogialai.com.vn

Bên cạnh nguồn vốn từ các quỹ vi mô tại địa phương, ngành ngân hàng cũng chủ động cải tiến sản phẩm, thủ tục vay vốn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thống, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chi nhánh Gia Lai, cho biết: "Vietinbank Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách, chương trình tín dụng, cử cán bộ luôn đi sát cơ sở, nắm vững tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng để tư vấn sản phẩm cho vay phù hợp; đa dạng gói sản phẩm đáp ứng từng phân khúc khách hàng, với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh..."

Bên cạnh đó, về thủ tục vay vốn, vị Phó Giám đốc này cũng chia sẻ, ngân hàng thường xuyên cải tiến quy trình cho vay, không yêu cầu thêm các thủ tục vay vốn theo quy định, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn bên vay các thủ tục liên quan đến các ngành chức năng như công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo...

Ngoài ra, VietinBank cũng áp dụng công nghệ trên các ứng dụng, nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, linh hoạt hơn, nhất là khách hàng vùng sâu vùng xa.

Đẩy lùi "tín dụng đen" không phải là việc của riêng ai. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cùng với hệ thống ngân hàng, cần phối hợp truyền thông mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, để người dân nắm bắt được các văn bản pháp luật, chính sách tín dụng. Từ đó, người dân sẽ có đủ kiến thức, tự tin và chủ động tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống, tránh xa "tín dụng đen".

Lê Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm