Chị Nguyễn Thị Kiều Giang thắp lửa sáng tạo cho học trò vùng cao Lào Cai

Chị Nguyễn Thị Kiều Giang thắp lửa sáng tạo cho học trò vùng cao Lào Cai
Chị Nguyễn Thị Kiều Giang trong buổi góp ý sản phẩm cho học sinh. Ảnh: baolaocai.vn
Chị Nguyễn Thị Kiều Giang trong buổi góp ý sản phẩm cho học sinh.
Ảnh: baolaocai.vn

Tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lào Cai năm 2017, nhiều giám khảo và khán giả xúc động và bất ngờ trước mô hình lớp ghép của em Chu Suy Xú, người dân tộc Hà Nhì đến từ xã Y Tý, huyện Bát Xát. Mô hình của Xú mô tả chính xác việc dạy và học đặc trưng của địa phương là hai lớp 1 và 2 học ghép chung trong một phòng, bàn ghế quay lưng lại nhau. Xú kể: "Cô giáo vất vả chạy đi chạy lại lúc đầu lớp lúc cuối lớp để dạy, học sinh 2 phía cũng bị ảnh hưởng vì lẫn lộn tiếng học bài của nhau không thể tập trung được. Vừa thương cô giáo, vừa thương mình và các bạn, em làm mô hình lớp học này để gửi một thông điệp của trẻ vùng cao đến xã hội là hãy quan tâm, tạo điều kiện cho chúng em cùng giáo viên được học tập và giảng dạy trong môi trường tốt đẹp hơn". Sản phẩm đã đoạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2017. Điều đặc biệt của mô hình còn đến từ chất liệu y hệt lớp học thật từ vách đất, tranh tre, mái nhà bằng cỏ... Sản phẩm dự thi của Suy Xú thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chị Nguyễn Thị Kiều Giang đã thỏa sức phát huy sự sáng tạo và gửi gắm ước mơ nhỏ bé, giản dị của em.

Khác với Xú, ước mơ của Thào Thu Thanh và Thào Mạnh Cường (dân tộc Mông) ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai là bố mẹ không phải làm việc nặng nhọc ngoài đồng ruộng. Sản phẩm “Robot nông dân” từ đó hình thành. Từ những nguyên vật liệu có sẵn quanh nhà như vỏ hộp nhựa, kim loại, thanh nhôm, áo cũ, miếng vải thừa may váy của mẹ và bộ phận trong đồ chơi hỏng của các bạn, dưới sự trợ giúp của "cô giáo Giang", các em đã tạo một chiếc xe hình chú lợn điều khiển bằng robot. Sản phẩm đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 14 năm 2018. Thào Thu Thanh và Thào Mạnh Cường tự tin giới thiệu và chia sẻ ý nghĩa, mơ ước được các em gửi gắm trong sản phẩm: Chiếc xe có thể điều khiển từ xa nhờ lắp một mạch điện được lấy từ ô tô đồ chơi bị hỏng. Xe còn được gắn một chiếc loa có lắp thẻ nhớ hoặc USB giúp chiếc xe có thể hát và kết nối với điện thoại thông minh qua bluetooth. Các em muốn “Robot nông dân” sẽ được người lớn bổ sung, hoàn thiện để có thể giúp cha mẹ không phải gánh nhũng gùi ngô, lúa nặng trĩu.

Chu Suy Xú, Thào Thu Thanh và Thào Mạnh Cường... là ba trong vô số học trò vùng cao Lào Cai được "cô giáo Giang" chắp cánh để tiếng nói của các em được ghi nhận với ước mơ bay cao, bay xa hơn. Là cán bộ của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai, từ năm 2011 chị Giang được giao phụ trách chính về công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh và giáo viên tham gia cuộc thi. Chị Nguyễn Thị Kiều Giang chính là người tiên phong đề xuất tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng các cấp tại 9 huyện thành phố Lào Cai từ năm 2011.

Khi cuộc thi được thiếu niên, nhi đồng hưởng ứng rộng rãi, chị Giang tham khảo cách làm của các địa phương khác, nỗ lực trau dồi khả năng tuyên truyền, vận động học trò sáng tạo bằng những kiến thức qua sách báo và trên internet. Thông qua những buổi làm việc trực tiếp cùng chị Giang, các thầy cô tại các trường đã được gợi mở cách tiếp cận với suy nghĩ của học sinh, cách khơi gợi và hoàn thiện ý tưởng cho các em, cách thành lập các câu lạc bộ sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ. Những buổi tư vấn, chị Giang luôn tạo nên không khí hào hứng, thoải mái, khơi dậy hứng thú sáng tạo và thể hiện tự tin của các em.

Chủ nhân giải đặc biệt với sản phẩm “Máy học Tiếng Anh thông minh” trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14, năm 2018, em Trần Trung Hiếu, học sinh lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông số I Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng) chia sẻ: Cô Giang rất nhiệt tình hướng dẫn chúng em. Đối với chúng em, cô Giang không chỉ là cô giáo mà còn như một người chị, người bạn. Chúng em rất “phục” cô bởi cô có kiến thức tổng hợp, sản phẩm liên quan đến lĩnh vực nào cô đều có những phân tích, chỉ bảo rất sâu sát.

Những đóng góp của chị Giang đã góp phần lớn giúp cuộc thi trở thành sân chơi được thanh thiếu niên, nhi đồng khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai hưởng ứng. Cuộc thi ban đầu chỉ có gần 150 sản phẩm dự thi đến nay đã có hơn 1.000 sản phẩm tham gia vòng sơ loại. Có những địa phương đã đề nghị được tổ chức cuộc thi cấp huyện như Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa.

"Cô giáo Giang" tâm sự, thật ra nhiều người nghĩ rằng những cuộc thi như vậy sẽ phù hợp với học sinh thành phố vì các em có điều kiện hơn nhưng họ đã sai. Học sinh vùng cao có thể do hoàn cảnh và đặc trưng cuộc sống nên hầu hết đều rất già dặn, trưởng thành trước tuổi nhưng vẫn có nhiều nét hồn nhiên ngây thơ của trẻ con. Ngoài ra, trẻ vùng cao có kỹ năng sống tuyệt vời, khả năng sinh tồn và ứng phó trong mọi hoàn cảnh rất cao nên sự sáng tạo, kiên trì và nhẫn nại hơn hẳn trẻ thành phố. Tuy vậy để phát huy hết những tố chất đó của các em thì cần nắm bắt tâm lý học sinh ở đây. Quan trọng nhất là thương yêu, gần gũi, chân thành và giảng giải cặn kẽ, các em sẽ tỏa sáng theo cách riêng mình.

Những nỗ lực của chị Giang và học trò của mình đều được đền đáp xứng đáng. Học trò vùng cao Lào Cai trong 14 năm tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc đều đoạt giải. Trong cuộc thi lần thứ 12, năm 2016, tỉnh Lào Cai là có 6 sản phẩm sáng tạo đoạt giải, cao nhất cả nước. Các năm 2017, 2018, học sinh vùng cao Lào Cai đều có giải cao. Chị Nguyễn Thị Kiều Giang được Hội Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến cuộc thi.

Hương Thu

Có thể bạn quan tâm